Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Cho con đi nhà trẻ – lúc nào là sớm, lúc nào là muộn?

Nhiều bạn bè người quen khi biết tôi cho Mon đi học khi bé vừa tròn 12 tháng tuổi đều thốt lên “Tội nghiệp bé quá, bé thế đã phải đi học”.

“Đôi khi nghe câu nói ấy, tôi chợt khựng lại vì cảm giác mình có lỗi với con. Nhưng rất nhanh sau đó tôi lấy lại sự thăng bằng vì biết chắc chắn một điều rằng, tôi đã làm điều đúng đắn cho Mon. 

Trước hết, tôi xin chia sẻ với các bạn rằng, Mon không phải là đứa trẻ thực sự khỏe mạnh. Ngay từ khi lọt lòng bé đã bị viêm phổi, trước khi đi học Mon còn dính liên tiếp nhiều đợt viêm tai giữa tái phát – như vậy hệ hô hấp của bé thực sự rất kém. Nhưng bước qua sinh nhật 1 tuổi của con, tôi vẫn quyết tâm cho con đi nhà trẻ. Và để làm điều đó, tôi đã phải “ủ mưu” vẽ ra nhiều kế hoạch với anh chàng tý hon này từ trước đó khá lâu”. 

Dưới đây là chia sẻ của chị Thanh Lê (Thanh Trì, Hà Nội), một bà mẹ đã cho con đi nhà trẻ từ khi bé mới 12 tháng tuổi.

Ổn định sức khỏe cho con, tăng cường khả năng đề kháng

Thực tế thì trẻ nhỏ luôn có sức đề kháng kém, nhưng với Mon – cậu bé thường xuyên phải đối mặt với căn bệnh viêm tai giữa dai dẳng thì việc ổn định sức khỏe là một bài toán đau đầu. Nếu các mẹ có con thường xuyên đi viện sẽ hiểu rõ nhất sự vất vả khi chăm một đứa trẻ luôn ốm đau bệnh tật, nay phòng khám này, mai phòng khám khác.

Ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, mình rất chăm làm vệ sinh tai-mũi-họng cho con hàng ngày bằng cách rửa mũi, hút mũi. Bên cạnh đó, 3 tháng trước ngày con đi lớp, mình thực hiện chế độ cho con uống thuốc tăng đề kháng và men vi sinh theo tư vấn của bác sĩ. Việc làm này nhằm mục đích củng cố sức khỏe đường hô hấp và hệ tiêu hóa cho con khi bé nhập học, thường xuyên tiếp xúc với các bạn xung quanh.

*Con hợp thuốc nên những lần sau này dù bệnh tái phát cũng nhẹ nhàng hơn. Mẹ chấm cho Mon 7 điểm.

13 tháng tuổi Mon đã đi lớp vững vàng, tự tin lắm rồi đấy nhé!

Ngồi ăn tại bàn

Mon bắt đầu ăn dặm từ khi 5, 5 tháng tuổi. Con được ăn dặm theo phương pháp “3 in 1” tức là kết hợp truyền thống + ăn dặm kiểu Nhật + ăn dặm tự chỉ huy. Con khá hợp tác trong việc ăn uống cùng mẹ. Nhưng kể từ khi con dính phải nằm viện vì viêm tai giữa, thói quen ăn của con bị thay đổi hoàn toàn. Sau khi ra viện, mình kiên quyết tập lại cho con ngồi ăn một chỗ, ngồi ghế ăn dặm đàng hoàng. Mọi thứ làm lại dường như khó khăn hơn nhưng cuối cùng Mon cũng chịu ngồi yên khoảng 15 phút để ăn.

*Mẹ chấm cho Mon khoản này được 5 điểm.

Tập ngồi bô

Với việc đi tè của con, mẹ đã nắm được một số thói quen như con sẽ tè sau khi ngủ dậy, tè sau khi bú no. Mẹ thường chủ động xi tè cho con. Còn nếu xi mà con chưa thích tè thì cũng không sao, cứ thoải mái vì mẹ mua khá nhiều quần dài cho con thay chứ không lạm dụng đóng bỉm.

Với việc đi nặng, mẹ lại phải rèn con theo một cách khác, đó là ngồi bô. Dấu hiệu Mon sắp đi nặng thường là mặt ngẩn ngơ hay còn gọi là “đần thối”, rặn ị. Mẹ bắt đầu lấy bô và ngồi giữ con một lúc. Một vài lần thì không cần ngồi giữ nữa mà ngồi bên cạnh để trông lúc con đi vệ sinh xong.

*Khoản ngồi bô, Mon tập tành chỉ mất 2 lần, rất nhanh và có nề nếp, nên mẹ chấm cho 9 điểm.

Vệ sinh bàn tay

Vì Mon hay vào viện và đến phòng khám nên mình dạy cho con cách rửa tay từ khá sớm. Ban đầu mình cho con dùng nước rửa tay diệt khuẩn dạng hữu cơ vì con hay bò và mút tay. Sau này thì bé có thể rửa tay ở vòi nước một cách thành thục. Tất nhiên là mẹ hoặc người trông bé vẫn giám sát và làm cùng con các mẹ nhé!

Vệ sinh bàn tay sạch sẽ rất quan trọng để hạn chế tối đa sự lây nhiễm vi khuẩn cho con. Mẹ và con cùng chơi trò chơi rửa tay, mẹ làm mẫu để con bắt chước sẽ giúp con mau chóng thuộc bài. Dần dần, Mon đã hiểu có những thời điểm mình “phải” chơi trò rửa tay như trước và sau khi ăn, sau khi ngồi bô…

*Mon đạt 9 điểm

Cai giấc ngủ giữa buổi

Khi ở nhà, Mon thường có giấc ngủ ngắn tầm 9-10 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều. Thậm chí là thích ăn ngủ lúc nào là mẹ chiều theo con. Nhưng mình đã tham khảo nội dung học tại một số nhà trẻ thì dù các con còn nhỏ nhưng khoảng thời gian này con vẫn được các cô dạy học. Vì vậy, trước khi đi lớp mình đã giúp con bỏ hẳn giấc ngủ ngắn này bằng cách cho con đi chơi hoặc tham gia một hoạt động nào đó. Dần dần sau này, con ở lớp ăn ngủ có nề nếp. Chỉ có ngủ trưa từ 11-14 giờ. Tối đi ngủ từ 8 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

*Mon đạt 9 điểm.

Mới đi học, còn mải chơi đùa cùng các bạn chưa chịu ngủ trưa ngay.

Tập ti bình và uống sữa công thức

Ngay từ khi mới sinh, Mon được bú mẹ hoàn toàn. Vì vậy việc cho con làm quen với bình sữa và sữa công thức là điều hoàn toàn mới mẻ. 1 tuần đầu mình cho con làm quen với núm ti và bình sữa. Mình đổ nước vào bình sữa. Sau mỗi bữa con ăn dặm, con ti bình để uống nước vì không uống con sẽ rất khát.

Còn với sữa công thức, khi thay nước bằng sữa, Mon không chịu hợp tác. Mình đã phải mất thêm 2 tuần nữa để súc thìa cho con uống sữa. Cách làm này khá tốn thời gian,lại mất vệ sinh vì con toàn phun và đổ sữa ra ngoài. Nhưng mình vẫn kiên trì để con quen với hương vị của sữa ngoài.

*Mon đạt 7 điểm thôi vì mất gần 3 tuần mới ổn định.

Cai sữa mẹ

Đây là việc khiến mình lăn tăn và chần chừ nhiều nhất. Kể từ khi sinh con, mình nghỉ làm hoàn toàn để chăm sóc Mon. Một phần vì nhà mình không có ai phụ giúp, một phần vì Mon thường xuyên đau ốm không ai có thể thay thế mẹ chăm sóc cho bé. Mình chấp nhận nghỉ việc để toàn tâm toàn ý lo cho con. Nhưng điều này cũng gây ra những hạn chế cho cả hai mẹ con. Mẹ thì không có phút giây nào được nghỉ ngơi vì con quá bám mẹ. Con thì lệ thuộc vào ti mẹ nên ăn uống dù khá tốt nhưng thường xuyên chệch choạch vì anh chàng biết “đã có ti mẹ”, cứ làm nũng là được đáp ứng. Vì vậy, khi quyết định sẽ cho con đi lớp, mình cũng quyết định sẽ cai sữa khi còn tròn 1 tuổi để con vào nề nếp. Cùng với những “kế hoạch” mình làm dần dần cùng con ở trên, sau khi cai sữa con đã có thể tự cầm bình sữa và ti một hơi mà không cần mẹ trợ giúp.

*Mon đạt 9 điểm vì chỉ mất 2 hôm cai sữa mẹ thành công.

Đi học rất vui mà, có nhiều đồ chơi và các bạn để mình khám phá đấy chứ.

Đi tìm trường phù hợp

Tiêu chí chọn nhà trẻ cho Mon lúc này của mình là gần nhà, có cơ sở trang thiết bị tốt và lớp càng ít học sinh càng tốt. Do vậy, cách thời điểm Mon đi học 4 tháng mình đã bắt đầu hành trình tìm trường mẫu giáo phù hợp. Trường của Mon mới mở được vài tháng, nên lớp còn vắng, chỉ có 10 bạn từ 12-24 tháng tuổi với 2 cô giáo chăm sóc. Trước khi cho con nhận lớp, 2 ngày đầu tiên, mình đưa con ra lớp chơi để làm quen với không gian mới, gặp cô và các bạn. Có mẹ ở bên lúc này, con cũng đỡ bỡ ngỡ, lạ lẫm. Sang đến ngày thứ 3, con phải “tự lực cánh sinh” hoàn toàn, và đương nhiên con khóc là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, vì lớp ít học sinh, Mon được các cô bế ẵm nhiều trong 10 ngày đầu làm quen, được theo sát và quan tâm chu đáo. Hàng ngày, mình có thể theo dõi con qua camera trực tuyến nên có thể nắm bắt mọi sinh hoạt của con. Trường gần nhà nên cũng thuận tiện để bố mẹ đưa đón con đến lớp mà không sợ ngày mưa gió.

Mon đi học được 2 ngày thì nghỉ học 1 ngày do viêm mũi họng cấp. Được ở nhà nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng rồi lại tiếp tục đi học. Mình kiên quyết không cho con có cơ hội “làm nũng” mẹ như trước. Đến nay con đi học đã hơn 1 tháng. Chỉ mất hơn 1 tuần, con đã quen bạn, quen cô, tự tin hơn. Đặc biệt nề nếp ăn uống, ngủ nghỉ rất chuẩn xác là điều mình mừng nhất.

*Mẹ cho 9 điểm khuyến khích con ngoan hơn nữa nhé!

Với những gia đình có ông bà hỗ trợ chăm sóc con nhỏ, các bé có thể ở nhà đến 18-36 tháng mới đi nhà trẻ. Tuy nhiên, như điều kiện của chị Thanh, không ai giúp đỡ, chị cũng không thể nghỉ làm lâu hơn thì con phải đi học từ sớm. Thật khó để xác định chuẩn xác đâu là thời điểm phù hợp với từng bé khi đi lớp. Nhiều bé sẵn sàng được hòa mình trong không gian mới với bạn bè, cô giáo từ sớm nhưng có bé dù đã 2-3 tuổi nhưng rụt rè, không muốn đi lớp. Nhưng để con không bị sốc khi làm quen với môi trường sớm, bản thân cha mẹ cần có kế hoạch rèn con một số thói quen và nề nếp nhất định trước khi gửi con đi nhà trẻ.


Bài viết liên quan