Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Hướng dẫn mẹ chăm sóc trước và sau khi tiêm chủng cho bé

Tiêm chủng cho bé là việc cần thiết cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, tuy nhiên việc này vẫn khiến các mẹ lo lắng vì sau mỗi lần tiêm, con lại sốt, quấy khóc, sưng tấy chỗ tiêm…

Các triệu chứng sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt, nổi mẩn, quấy khóc,… đều là những hiện tượng phổ biến sau khi trẻ tiêm phòng và thường tự mất đi sau 1 – 2 ngày. Dù vậy vẫn khiến các mẹ lo lắng, sốt ruột. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể rút ngắn và giảm nhẹ đi nếu mẹ biết chăm sóc con đúng cách.

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho mẹ về cách chăm sóc con cả trước và sau khi tiêm chủng.

1. Trước khi tiêm chủng cho bé

– Trước khi tiêm, mẹ cần cho con ăn đầy đủ, không được để con bị đói. Vì nếu vacxin vào cơ thể trong khi con đói sẽ khiến con khó chịu, cồn cào. Tuy nhiên cũng không nên cho con ăn quá no mẹ nhé.

–  Bố mẹ cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe trước đó và hiện tại của con mình như con có đang ốm, sốt, có sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước đó không. Bố mẹ có thể đề nghị bác sĩ kiểm tra sức khỏe của con trước khi tiêm chủng.

– Hỏi cán bộ y tế loại vacxin con được tiêm và các phản ứng phụ có thể gặp phải sau khi tiêm.

Hướng dẫn mẹ chăm sóc trước và sau khi tiêm chủng cho bé2. Sau khi tiêm chủng cho bé

Sau khi tiêm, có thể cơ thể con sẽ phản ứng với thuốc như sốt, sưng tấy chỗ tiêm, phát ban, nổi mề đay… Các triệu chứng này mẹ hoàn toàn có thể xử lý tại nhà.

Sốt nhẹ

Sốt là một trong những triệu chứng phổ biến nhất sau khi tiêm chủng. Khi cơ thể con tăng nhiệt độ, trước hết mẹ cần cặp nhiệt độ cho con để theo dõi sự thay đổi của thân nhiệt. Nếu trên 38.5 độ, mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, khi mẹ sử dụng thuốc nào đều cần phải có hướng dẫn của bác sĩ, nhất khi khi con dưới 3 tháng tuổi.

Nếu trong trường hợp thân nhiệt của con không hề giảm mặc dù mẹ đã thử mọi cách, hoặc có một vài biểu hiện như khóc dai dẳng hơn ba tiếng đồng hồ, co giật thì bị cần phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi.

Đỏ, sưng chỗ tiêm

Sưng và đỏ ở các chỗ tiêm thường ít gặp hơn triệu chứng sốt. Mẹ có thể lấy một miếng gạc bọc 1 viên đá nhỏ để chườm vào chỗ tiêm cho con trong khoảng từ 15-20 phút, không nên để lâu hơn. Sau đó theo dõi xem chỗ tiêm có bớt đỏ hoặc sưng hay không.

Hướng dẫn mẹ chăm sóc trước và sau khi tiêm chủng cho bé

Tuy nhiên, nếu như trẻ bị sưng tấy cả một vùng lớn trên da, tốt nhất mẹ nên báo với bác sĩ hoặc đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

Phát ban, nổi mề đay

Sau khi tiêm phòng bệnh sởi, rubella, quai bị và thủy đậu, trong vòng 1 – 2 tuần con có thể xuất hiện phát ban nhỏ trên cơ thể. Thông thường, sau một vài ngày chúng tự biến mất chứ không cần điều trị gì cả.

Do đó, nếu con có gặp tình trạng này, mẹ không cần quá lo lắng đâu nhé.

Khó chịu, không muốn ăn, quấy khóc

Ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng, con có thể buồn ngủ và ngủ nhiều, có một số trẻ biếng ăn. Trong trường hợp này mẹ cứ để con ngủ và không nên ép con ăn, thay vào đó mẹ có thể cung cấp nước cho con nhiều hơn như cho con bú, uống sữa, nước trái cây…

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chú ý đến nhiệt độ và độ ẩm trong phòng nhé. Phòng có độ ẩm cao hoặc quá nóng, quá lạnh cũng sẽ khiến các triệu chứng của con kéo dài, nặng hơn và làm con khó chịu hơn.

Ngoài ra, bố mẹ cần giữ cẩn thận sổ tiêm chủng của con để theo dõi quá trình tiêm của con và mang chúng đi trong những lần tiêm sau đó.

3. Những trường hợp mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ

– Sốt cao từ 39 độ C trở lên.

– Người ốm yếu, sắc mặt nhợt nhạt.

– Bỏ bú, bỏ ăn, tinh thần trong trạng thái lơ mơ

– Khóc liên tục trong hơn 3 giờ đồng hồ.

– Nôn mửa, đại tiện ra máu.

– Co giật.

– Sốt liên tục hơn 48 giờ.


Bài viết liên quan