Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Khi con hỏi về cái chết, bố mẹ trả lời thế nào?

Cái chết là một trong những chủ đề khó khăn nhất để giải thích cho trẻ nhỏ. Đối diện với sự mất mát là điều không dễ dàng ngay cả với những người lớn. Với tâm hồn mong manh của con trẻ, thật khó để giải thích cho con về cái chết.

Nhận thức về cái chết

Trẻ em nhận thức được về cái chết từ rất sớm. Con có thể nghe về khái niệm này trong những câu chuyện cổ tích, xem trên TV và bắt gặp những loài động vật chết trên vỉa hè hoặc lề đường. Một số trẻ có thể đã trải qua cảm giác mất đi người thân hay thú cưng trong gia đình. Mặc dù vậy, có những khía cạnh của cái chết mà những đứa trẻ ở tuổi này vẫn không thể hiểu được. Trẻ không thể hiểu rằng cái chết là vĩnh viễn, không thể tránh khỏi và sẽ xảy ra với tất cả mọi người.

Nhận thức của con về cái chết là hoàn toàn non nớt, từ đó sinh ra những phản ứng khác lạ. Con có thể sẽ trở nên bướng bỉnh, không muốn đi học, hay trốn trong nhà vệ sinh. Đó là hành động đấu tranh của trẻ để hiểu tại sao những người lớn xung quanh mình lại buồn rầu, và để phản ứng trước sự thay đổi của thế giới xung quanh mình.

Làm sao để giải thích cho con về cái chết ?

1. Đừng lảng tránh những câu hỏi của con

Việc con tò mò về cái chết là điều hoàn toàn bình thường, ngay cả khi con chưa trải qua sự mất mát nào. Thời gian này sẽ là cơ hội tốt để giúp con hiểu về cái chết và đối phó với những cảm xúc của việc mất đi người thân.

Bố mẹ hãy cố gắng trả lời những câu hỏi ngây thơ của con, và đừng lảng tránh chúng. Hãy kể cho con nghe câu chuyện về những đứa trẻ khác đã mất đi gia đình, người thân hay thú cưng để con làm quen với khái niệm này.

2. Đưa ra những câu trả lời ngắn gọn, đơn giản

Trẻ nhỏ không thể xử lý quá nhiều thông tin cùng một lúc. Thay vì đưa ra những khái niệm phức tạp về sinh học, hãy giải thích cho con một cách đơn giản. Có thể kể một câu chuyện, như ‘Chú mèo Mun đã chết, và cơ thể chú mèo sẽ ngừng hoạt động. Lúc này mèo sẽ không thể chạy, ăn ngủ, hay nhìn thấy gì nữa, và chú mèo cũng không cảm thấy đau đớn’. Hãy dạy cho con về tầm quan trọng của người thân xung quanh bằng những câu nói đơn giản, ví dụ như: ‘Nếu mẹ mất đi, ai sẽ cho con ăn, ai sẽ tắm cho con ?’

3. Thể hiện cảm xúc

Đừng ngại thể hiện cảm xúc trước mặt con, bởi đau buồn là một phần quan trọng của chữa lành. Hãy giải thích với con rằng người lớn cũng cảm thấy đau buồn và khóc khi nhớ tới người đã mất. Trẻ có thể nhận thức được rõ ràng về những thay đổi trong tâm trạng của người lớn và cảm thấy lo lắng. Do đó, mở lòng với con là điều quan trọng để giúp con nhận biết vấn đề.

4. Tránh sử dụng những từ nói giảm, nói tránh

Những từ nói giảm, nói tránh cho cái chết như ‘đi xa’, ‘giấc ngủ vĩnh hằng’, hay ‘lên thiên đường’ sẽ gây nhầm lẫn cho trẻ. Con có thể sẽ cảm thấy sợ hãi nếu có ai đó trong gia đình đi công tác, hay đi du lịch, bởi con tưởng rằng người thân sẽ không bao giờ trở lại.

Hãy giải thích cho con một cách rõ ràng rằng: ‘Ông nội đã rất già, và cơ thể ông không thể hoạt động được nữa. Đó gọi là cái chết’. Đồng thời, nên trấn an con rằng, cảm cúm hay sổ mũi không thể làm chúng ta chết. Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta mắc bệnh, và bệnh nhẹ có thể được chữa khỏi.

5. Cẩn thận khi giải thích về những khái niệm khó

‘Thiên đường’, ‘địa ngục’, ‘âm phủ’ – những giải thích về thế giới bên kia phụ thuộc vào tôn giáo của bạn. Hãy cẩn thận khi giải thích cho con về khái niệm này bởi chúng có thể dễ dàng nhầm lẫn.

Khi bạn an ủi con rằng: ‘Bây giờ ông bà đang rất hạnh phúc ở trên thiên đường’, con sẽ thắc mắc rằng: ‘Tại sao ông bà có thể sống hạnh phúc khi mọi người đều đang buồn bã?’, hay ‘Nếu ở nơi đó hạnh phúc như thế, sao gia đình chúng ta không cùng đến?’ Câu nói tốt nhất để trấn an con lúc này là: ‘Bố mẹ rất buồn và nhớ vì ông bà không còn ở đây, nhưng cũng rất vui vì biết ông bà đang sống hạnh phúc ở trên thiên đường’.

6. Sẵn sàng trước những phản ứng của con

Trẻ em không chỉ cảm thấy đau khổ trước cái chết của người thân, con còn có thể cảm thấy tội lỗi hoặc tức giận. Hãy trấn an con rằng cái chết là hoàn toàn tự nhiên, không phải lỗi do ai cả. Những phản ứng tức giận của con có thể coi là một dấu hiệu tốt của nhận thức thời gian này.

Hãy kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của con nhiều lần. Khi nhận thức của trẻ về cái chết sâu sắc hơn, trẻ sẽ liên tục đưa ra những câu hỏi, vấn đề mới. Đừng ngại trả lời cho đến khi con hiểu được vấn đề.

7. Tưởng niệm người quá cố

Bố mẹ nên dạy con cách để tưởng nhớ những người đã khuất, bằng những cách đơn giản như thắp hương, vẽ một bức tranh hay hát một bài hát. Nếu con muốn tới đám tang để viếng, hãy giải thích cặn kẽ cho con quan tài là gì, đám tang sẽ trông như thế nào, trang phục và quy tắc ra sao, càng nhiều và chi tiết càng tốt. Đồng thời, cũng nên nhắc con về mối quan hệ tốt đẹp với người đã khuất lúc họ còn sống.

8. Giải thích về sảy thai

Nếu bạn không may sảy thai, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đau buồn. Đừng ngạc nhiên khi thấy con cũng đau buồn, ngay cả khi nhận thức về việc mang thai còn non nớt. Trẻ có thể sẽ rất buồn khi biết mình mất đi anh chị em của mình, và cần được khích lệ rằng việc này sẽ không xảy ra thường xuyên.

Hãy giải thích cho con rằng em bé không đủ sức khỏe để sống bên ngoài bụng mẹ. Con có thể vẽ tặng một bức tranh hoặc làm một món quà tưởng niệm em bé đã ra đi.

9. Trở lại nhịp sống thường ngày

Hãy giải thích cho con biết rằng, cái chết không phải là điều gì quá kinh khủng. Người còn sống vẫn phải tiếp tục sống và làm việc. Đừng quá đau buồn, hãy cố gắng hướng dẫn con trở lại với cuộc sống thường nhật. Bạn cũng có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân, bởi giúp bản thân mạnh mẽ cũng chính là giúp con mạnh mẽ.

Giải thích cho con những vấn đề khó, đặc biệt là cái chết chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn có thể chưa có câu trả lời hoàn hảo cho những thắc mắc của con, nhưng đừng ngại thử. Giáo dục từ nhỏ sẽ đem đến nền tảng vững chắc cho nhận thức và sự phát triển sau này của trẻ. Và cha mẹ, chính là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây lên nền tảng đó.


Bài viết liên quan