Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Mang thai ngoài 35 tuổi, mẹ bầu dễ gặp những rủi ro này

Khoa học đã chứng minh, độ tuổi mang thai của người mẹ có ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe của chính thai phụ cũng như em bé trong bụng mẹ.

Xu hướng của xã hội hiện đại ngày nay là đa phần phụ nữ muốn ổn định sự nghiệp và cân nhắc kỹ lưỡng đối tượng kết hôn. Do vậy, chị em cũng lập gia đình và sinh con muộn hơn trước khá nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia sản khoa khuyến khích rằng, phụ nữ nên sinh nở trong độ tuổi từ 25-35 sẽ có sức khỏe và chất lượng trứng tốt nhất. Việc mang thai khi đã ngoài 35 tuổi khiến chị em phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Dưới đây là những khó khăn mẹ bầu dễ gặp phải nếu mang thai khi tuổi đã cao, đặc biệt là từ 35 tuổi trở lên:

Khả năng đậu thai kém hơn

Càng lớn tuổi, khả năng thụ thai của người phụ nữ sẽ giảm đi do chất lượng trứng bị suy giảm. Đáng chú ý là nhiều chị em mất đi khả năng mang thai tự nhiên hoặc vô sinh thứ phát dù trước đó đã từng sinh con. Nếu quyết định sinh con trong độ tuổi này, chị em có thể phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Nguy cơ sảy thai cao hơn

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bình thường có khoảng 15% nguy cơ sảy thai. Nếu mang thai ngoài 35 tuổi tỉ lệ rủi ro này sẽ tăng lên 25%. Và  trên 40 tuổi thì lên tới 35%. Như vậy, càng lớn tuổi tỉ lệ sảy thai sẽ càng cao do nội tiết tố của chị em thay đổi rất nhiều.

Nhiều chị em cảm thấy bế tắc vì nhiều lần sảy thai do tuổi đã cao mới tính chuyện bầu bí.

Thai có khả năng dị tật bẩm sinh cao hơn

Việc thụ thai và sinh con khi người cha và người mẹ ngoài 35 tuổi đều khiến chất lượng trứng cũng như tinh trùng giảm sút. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của phôi thai. Vì vậy, tỷ lệ thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể cũng cao hơn. Hay nói cách khác thai nhi dễ gặp các tình huống dị tật ngay từ trong bào thai.

Qúa trình mang thai và sau sinh dễ gặp các biến chứng

Thụ thai khi tuổi đã cao khiến các mẹ bầu phải đối mặt với nhiều bệnh tật như cao huyết áp, u xơ tử cung, tiểu đường thai kỳ… Thai phụ cũng có nguy cơ tử vong cao hơn và thậm chí sau sinh, chị em cũng có thể gặp biến chứng do tắc nghẽn mạch phổi hoặc viêm tĩnh mạch, trầm cảm sau sinh cao hơn so với bình thường.

Tăng nguy cơ mổ lấy thai

Người ta nhận thấy, khá nhiều mẹ bầu mang thai ngoài 35 tuổi bắt buộc phải sinh mổ do tình trạng sức khỏe của mẹ kém, đồng thời việc sinh mổ là cần thiết để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra thêm trong quá trình chuyển dạ. Bản thân các sản phụ lớn tuổi sinh mổ cũng có thời gian phục hồi lâu hơn so với chị em sinh mổ trẻ tuổi.

Mang thai khi ngoài 35 tuổi, thai phụ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt quá trình mang thai và chuyển dạ.

Qúa trình chuyển dạ sinh con gặp nhiều khó khăn

Không chỉ tăng nguy cơ mổ lấy thai, nhiều chị em lớn tuổi khi đến thời khắc “vượt cạn” sinh thường cũng phải chịu nhiều đau đớn vì khó sinh. Và quá trình sinh cũng cần đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thúc chuyển dạ, gây tê màng cứng…

Mặc dù chị em lớn tuổi có thể đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình mang thai và sinh con nhưng cơ hội làm mẹ là quyền và thiên chức của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết định mang thai ngoài 35 tuổi, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng những nguy cơ có thể gặp phải để phòng ngừa. Bạn nên khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai cũng như có kế hoạch quản lý thai kỳ chặt chẽ để hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra.


Bài viết liên quan