
Sự phát triển của thai nhi luôn là một hành trình kỳ diệu và khơi dậy trí tò mò với các bậc cha mẹ. Giai đoạn giữa này, em bé sẽ không ngừng lớn lên và phát triển nhanh chóng mỗi ngày. Ở thời gian đầu của tam cá nguyệt thứ hai, đầu của thai nhi khá to so với chiều dài cơ thể. Vài tuần tiếp theo, những bộ phận còn lại sẽ phát triển dài ra cho tương xứng với phần đầu.
Tuần 13-14: Thai nhi đã nặng khoảng 42gr, dài 7-8cm, tương đương một quả chanh tây. Cơ thể em bé đã khá cứng cáp, hệ xương từ sụn mềm dần chuyển sang xương cứng. Bé đã biết cau mày, nhăn mặt, đi tè, mút tay, dấu vân tay hình thành, đường ruột bắt đầu sản xuất phân su. Chân tay của bé đã linh hoạt lắm rồi và còn thường xuyên tung chưởng trong bụng mẹ nữa. Tuy nhiên, mẹ sẽ chưa cảm nhận được rõ ràng đâu.
Tuần 15-16: Thai nhi sẽ nặng khoảng 70 đến 90gr, dài khoảng 10,5 đến 11,6cm, to bằng một quả bơ rồi đó. Phần thân lớn rất nhanh, đã dài hơn phần đầu. Bộ não phát triển mạnh mẽ giúp thai nhi hoạt động nhiều hơn, các chức năng tuần hoàn và tiêu hóa đã hoàn thiện. Tai và mắt ở vị trí chính xác nên con có thể nghe được âm thanh bên ngoài và khá nhạy cảm với ánh sáng. Bố mẹ cũng có thể biết chắc được em bé là trai hay gái qua siêu âm rồi đó.
Tuần 17-18: Bé yêu có sự phát triển vượt bậc nặng khoảng 170 - 240gr, dài 13-15cm, to gần bằng củ khoai lang. Tay và chân đã phát triển cân đối so với cơ thể. Bé cũng chăm chỉ mút và nuốt để sẵn sàng cho việc bú sữa mẹ sau khi chào đời rồi. Lúc này, bộ não bé tí xíu đang phân định các vùng riêng biệt cho khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Nhờ vậy, các giác quan của con đã phát triển lắm rồi.
Tuần 19-20: Những cú đạp của em bé đã khá rõ ràng, tạo áp lực lên bụng mẹ. Xương hàm, lông mày, mi mắt dần hình thành. Mái tóc bé yêu cũng khá dài rồi. Các cơ quan trên cơ thể cũng đang trên đà hoàn thiện, bé biết nuốt nhiều hơn và thận đã bắt đầu sản sinh nước tiểu.
Tuần 21-22: Em bé vẫn đang trong ngưỡng lớn rất nhanh. Phản xạ nuốt thuần thục và hệ tiêu hóa ngày một hoàn chỉnh. Lúc này, hình dáng thai nhi gần giống lúc chào đời với phiên bản nhỏ hơn. Đặc biệt là em bé đã có thể cảm nhận mọi hoạt động mẹ làm, phân biệt được các giọng nói.
Tuần 23-24: Cơ thể thai nhi đã phát triển đầy đủ các chức năng, bắt đầu tích mỡ khiến da dần căng và hồng hào hơn. Con đã dài xấp xỉ 29cm, nặng 500-600gr rồi đó.
Tuần 25-27: Sự phát triển của thai nhi chủ yếu tập trung vào cân nặng. Túi khí trong phổi bắt đầu hoạt động để chuẩn bị cho những hơi thở đầu tiên. Đôi mắt em bé đã xinh xắn hơn vì hàng lông mi xuất hiện và có thể nhìn thấy ánh sáng mờ mờ cũng như nhắm mắt, mở mắt thuần thục.
Kết thúc tam cá nguyệt thứ hai, con yêu sẽ nặng từ 900 -1kg và dài khoảng 37cm.
Trong giai đoạn này, thai nhi cần bổ sung một lượng dinh dưỡng lớn, nhất là can-xi để phát triển hệ xương, hình thành các cấu trúc bên ngoài cơ thể như khuôn mặt, chân tay. Đây cũng là thời điểm não bộ phân chia và phát triển mạnh mẽ, vậy nên mẹ bầu cũng cần bổ sung chất béo omega 3, vitamin A, sắt, kẽm để đảm bảo cho sự phát triển hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng của bé. Mẹ cũng có thể uống bổ sung các vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho sự lớn lên nhanh chóng của em bé nhé. Một số thực phẩm tốt cho mẹ bầu thời gian này là: sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, cá hồi, tôm, thịt bò, các loại hạt dinh dưỡng (hạt điều, óc chó, hạnh nhân,...), dầu oliu, dầu cá, rau củ có màu đỏ và xanh đậm, trái cây. Đồng thời, mẹ bầu cũng cần tránh một số thực phẩm không có lợi như một số loại gia vị nóng và cay (ớt, tiêu, quế), thực phẩm tái sống, đồ uống có chất kích thích và cồn (rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas,...), hạn chế nêm nếm bằng bột ngọt, các đồ ăn sẵn, đóng hộp chứa nhiều chất phụ gia. Giai đoạn này, mẹ bầu cũng tuyệt đối không nên ăn kiêng vì có thể khiến thai nhi thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn tới khả năng sảy thai, sinh non.
Duy trì tập luyện hợp lý là cần thiết để mẹ bầu có một nền tảng sức khỏe thật tốt cho việc sinh con và hồi phục sau này. Hơn nữa, theo nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Montreal, bà bầu tập thể dục thường xuyên còn có thể giúp tăng cường trí thông minh của thai nhi. Theo khảo sát, những em bé có mẹ thường xuyên tập thể dục, ít nhất 3 lần một tuần sẽ có hoạt động não bộ sau sinh từ 8-12 ngày vượt trội hơn hẳn so với những bé có mẹ “lười” tập thể dục khi mang thai.
Bà bầu nên đi bộ vào mỗi buổi tối vừa giúp cho sức khỏe dẻo dai vừa giúp thư giãn tinh thần. Một số bộ môn thể thao như bơi, các bài tập pilates, kegel,... không những giúp giảm bớt khó chịu khi mang thai mà còn tác động lên vùng xương chậu, giúp mẹ dễ dàng sinh nở hơn.
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, mẹ nên hạn chế những bài tập giãn cơ, nằm ngửa, và nhớ khi ngủ nên nằm nghiêng về bên trái nhé.
Mẹ bầu nên thăm khám đều đặn mỗi tháng để theo dõi cân nặng, huyết áp và sự phát triển của thai nhi. Và thông thường ở 3 tháng giữa, mẹ bầu sẽ trải qua 3 lần thăm khám như sau:
Tuần thứ 16: Thường ở lần khám này, bạn sẽ được thăm khám thông thường. Dựa vào tình trạng sức khỏe của thai phụ mà bác sĩ yêu cầu phải làm thêm một số xét nghiệm nếu cần. Qua theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của bà mẹ, bác sĩ có thể phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung, từ đó tư vấn chế độ dinh dưỡng hoặc những chăm sóc đặc biệt cho các bà mẹ. Đối với những thai kỳ nguy cơ cao sẽ theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng của bà mẹ với bệnh lý, từ đó có chế độ điều trị thích hợp.
Tuần 22-23: Mốc khám thai này đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi qua siêu âm khảo sát hình thái học. Đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng v.v… được phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp nhất cho thai phụ nếu chẳng may phát hiện các dị tật bẩm sinh ở bé. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc không dẫn đến sinh non như khâu vòng cổ tử cung ở những bà mẹ bị hở eo tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng ở những bà mẹ có khối u buồng trứng.
Tuần 26: Tuần thứ 26 siêu âm thai sẽ phát hiện ra bất thường của cả 2 mẹ con. Thời điểm này, các mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 1 hoặc lần 2 với lần mang thai thứ 2 (cách lần mang thai thứ nhất dưới 5 năm). Các bác sĩ cũng có thể đề nghị test dung nạp đường với phụ nữ hơn 25 tuổi hoặc có tiền sử gia đình tiểu đường type II, tiền sử thai chết lưu, sinh con trên 4kg.
Chăm sóc răng miệng: Có tới 50% phụ nữ mang thai gặp vấn đề về răng miệng, vậy nên mẹ hãy chú ý chăm sóc răng đúng cách và nên đi khám nha khoa nếu cần thiết. Không chỉ gây khó chịu cho mẹ, viêm nướu có thể phát triển thành nha chu và các vi khuẩn gây bệnh có thể đi vào dòng máu qua miệng và đến tử cung, từ đó có thể kích hoạt một hoạt chất có thể gây sinh non. Chăm sóc "cô bé" của mẹ: Hoocmon thai kỳ hoạt động mạnh có thể làm mất cân bằng tự nhiên của âm đạo, dịch nhờn và mùi hôi có thể xuất hiện, nguy cơ viêm nhiễm cao. Mẹ hãy chịu khó vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi nhé. Chọn một chiếc gối ôm thoải mái và nằm nghiêng bên trái không chỉ giúp mẹ dễ ngủ hơn mà còn làm giảm áp lực lên động mạch, tĩnh mạch chủ, giúp máu lưu thông và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Để giảm những cơn đau cơ, đau lưng, nhức xương, mẹ hãy massage nhẹ nhàng hoặc chườm nóng nhé. Em bé trong bụng giờ đã lớn lên rất nhiều, vậy nên để đảm bảo an toàn, mẹ hãy đi giày đế bệt, di chuyển nhẹ nhàng thôi nhé. Nghe các loại nhạc cổ điển sẽ giúp mẹ thư giãn và cũng rất tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi. Đừng quên làm đẹp cho bản thân bằng những sản phẩm tự nhiên, cắt một kiểu tóc mới, chọn những chiếc váy bầu đẹp đẽ và thoải mái để tâm trạng vui vẻ, yêu đời hơn mẹ nhé.
Đã đến lúc bố mẹ cần nghĩ về một kế hoạch sinh con và chăm sóc sau sinh chu đáo. Chọn sinh ở bệnh viện nào,mẹ sẽ ở nhà toàn thời gian hay bán thời gian, chuẩn bị phòng cho em bé, lập ngân sách những khoản chi tiêu cần thiết,... là những việc bố mẹ cần làm sớm để không bị thâm hụt tài chính cũng như không bỡ ngỡ khi bé yêu chào đời. Khi mẹ sinh em bé, gia đình sẽ mất đi một nguồn thu nhập đồng thời có hàng trăm khoản phải lo thêm, vậy nên một kế hoạch tài chính thông minh rất cần bố mẹ lưu tâm từ bây giờ.
Có con, bên cạnh niềm hạnh phúc, cuộc sống của gia đình nhỏ sẽ không tránh khỏi những xáo trộn. Áp lực tiền bạc, áp lực chăm con,... sẽ khiến bố mẹ stress nhiều lắm, còn gây căng thẳng, xung đột trong mái ấm nữa. Vậy nên, cả mẹ và bố đều cần chuẩn bị tinh thần thật vững khi có con. Hãy chia sẻ với nhau nhiều hơn, sau này sẽ phân chia việc chăm con như thế nào, bố sẽ đảm nhận việc nhà ra sao sau thời gian làm việc bên ngoài? Tất cả sẽ giúp bố mẹ hiểu nhau hơn, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn để vun vén cho tổ ấm.
Có khi nào bố thấy ghen tị với mẹ không nhỉ, mẹ và con có mối liên kết kì diệu 9 tháng 10 ngày mà bố thì không có. Bố đừng tủi thân nhé, đến 3 tháng giữa thai kỳ, bố có thể giao tiếp với con rồi đó. Áp tai vào bụng mẹ, bố có thể kể chuyện, đọc sách hay thủ thỉ những lời yêu thương với con, con đã có thể cảm nhận và nghe thấy rồi đó, đừng quên bố nhé.
Ở giai đoạn này, bố sẽ tiếp tục là bờ vai vững chãi cho mẹ. Bào thai ngày một lớn dần, mẹ sẽ khó ngủ hơn nên bố hãy an ủi mẹ thật nhiều nhé. Hãy đưa mẹ đi dạo vào mỗi buổi tối, mua cho mẹ những thực phẩm giàu dinh dưỡng để mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, bố có thể massage lưng, vai, chân, chườm nước nóng,... để mẹ dịu bớt các cơn đau và ngủ ngon hơn. Mẹ sẽ hạnh phúc rất nhiều vì được quan tâm đó bố.
3 tháng giữa thai kỳ, sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định hơn nhưng nguy cơ vẫn tồn tại. Bố hãy ở bên mẹ thật nhiều, để ý những triệu chứng nguy hiểm như mắt mờ, chóng mặt, tay chân sưng phù, đau quặn bụng,... và đừng quên gọi điện ngay cho bác sĩ khi thấy những dấu hiệu bất thường đó nhé!
2 chặng đầu tiên của 40 tuần mang thai, cả nhà mình đã cùng nhau vượt qua một cách xuất sắc. Chỉ còn một chặng nữa thôi, bố mẹ sẽ gặp con yêu rồi. Có một em bé, quả không phải là điều dễ dàng gì. Nhưng Jo tin rằng, với yêu thương của mẹ và quan tâm của bố, hành trình gian nan ấy sẽ đi qua một cách thuận lợi để đón trái ngọt hạnh phúc là khi em bé cất tiếng khóc chào đời.