Chiếc bỉm dùng một lần trông bên ngoài có cấu tạo khá đơn giản, nhưng để làm nên những chiếc bỉm an toàn cho bé cần khá nhiều vật liệu và hợp chất khác nhau. Bỉm dùng một lần được nghiên cứu và đưa ra thị trường sau khi phổ biến rộng rãi vào những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Ngày nay, bỉm đã trở nên thân thiết và được sử dụng cho rất nhiều trẻ nhỏ ngay từ khi mới sinh ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Bỉm – bạn đồng hành gắn bó với mọi trẻ nhỏ
Quả đúng là vậy. Bởi, khá nhiều bậc phụ huynh không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn ra sao khi thiếu đi những chiếc bỉm trong công cuộc chăm sóc con trẻ. Sự có mặt của những chiếc bỉm tã giấy đã giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức khi không phải giặt giũ quần áo thường xuyên cho trẻ nhỏ, mà thay vào đó chỉ cần vài động tác thay bỉm trong ít phút. Đặc biệt, làn da các em bé luôn được khô thoáng và sạch sẽ.
Chị Nguyễn Minh Trang, ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, bé nhà chị đến nay được hơn 5 tháng tuổi, ngày chị thay cho bé có thể tới gần chục cái bỉm, đặc biệt là giai đoạn sơ sinh của bé, nhưng chị chỉ phải thay và giặt 1-2 cái quần. Chị Trang tâm sự, nếu như không có những chiếc tã cho em bé thì một ngày có khi em bé phải dùng đến chục cái quần, chưa kể đến việc em bé mỗi khi đi ngoài hay đi tiểu còn dây ra ga trải giường. Nhờ vậy việc giặt giũ quần áo, khăn tã của bé trở nên nhẹ nhàng và chị có thể giành nhiều thời gian, tâm sức hơn chăm sóc cho bé, chăm sóc bản thân và tổ ấm nhỏ của mình.
Tác dụng và vai trò của bỉm thì ai cũng thấy được, nhờ thế mà bỉm dùng một lần ngày nay hiện diện trong mọi gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều bậc phụ huynh thắc mắc và muốn tìm hiểu xem chiếc bỉm dùng cho con mình được làm từ những vật liệu gì và chúng có an toàn cho các bé không?
Đây là một câu hỏi hợp lý, là một trong những thắc mắc rất phổ biến của nhiều bậc phụ huynh về một sản phẩm tiếp xúc trực tiếp nhiều giờ với vùng da nhạy cảm nhất của bé. Chúng tôi sẽ lần lượt giải đáp để các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi sử dụng những sản phẩm này cho trẻ nhỏ.
Vật liệu bên trong chiếc tã?
Chiếc bỉm dùng một lần trông bên ngoài có cấu tạo khá đơn giản, nhưng để làm nên những chiếc bỉm an toàn cho bé cần khá nhiều vật liệu và hợp chất khác nhau.
Lớp bao ngoài:
Lớp ngoài cùng của chiếc tã được làm bằng màng polyethylen, gần như cùng chất liệu với vỏ bọc bằng nhựa. Lớp bên trong của chiếc bỉm tiếp xúc với da bé được làm bằng polypropylene, là vật liệu phổ biến, còn được tìm thấy trong đồ lót giữ nhiệt. Cả hai loại vật liệu trên đã được thử nghiệm và chứng minh hoàn toàn an toàn cho làn da còn non nớt của trẻ nhỏ. Thời gian gần đây, để nâng cao chất lượng, một số hãng sản xuất bỉm đã bổ sung lớp bên trong với lô hội, vitamin E, và các hợp chất thân thiện với da. Những thành phần được bổ sung nêu trên thường được tìm thấy trong kem trị hăm tã nhằm tăng khả năng chống hăm cho những chiếc bỉm.
Lõi thấm:
Phần lõi thấm hút của chiếc bỉm chứa bông và hạt siêu thấm, thường là natri polyacrylate. Natri polyacrylate là hợp chất được giới thiệu từ những năm đầu thập niên 80 sau đó được ứng dụng trong công nghệ sản xuất bỉm để cải thiện lõi thấm. Hợp chất này có thể hút một lượng nước tiểu lớn gấp 30 lần khối lượng của nó, do vậy việc sử dụng natri polyacrylat giúp cho những chiếc bỉm trở nên mỏng hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả thấm hút tuyệt vời. Ngoài ra, mỗi chiếc bỉm có thể có thêm hương liệu tạo mùi thơm được đưa vào giữa phần lõi thấm và lớp bề mặt. Các hương liệu thường dùng là tinh dầu cam, chanh, bạc hà, trà xanh…để tạo hương thơm hoặc tăng cường khả năng chống hăm.
Lớp trang trí:
Về hình thức, bên ngoài cùng của mỗi chiếc bỉm thường được trang trí các hình ảnh minh họa dễ thương, ngộ nghĩnh, bắt mắt và lôi cuốn với các bé. Lớp ngoài cùng này của chiếc bỉm được sử dụng chất tạo màu được được kiểm nghiệm an toàn cho da và sức khoẻ của trẻ nhỏ.
Các thành phần phụ khác:
Ngoài ra, từng thành phần riêng lẻ của chiếc bỉm còn được gắn kết bởi các loại keo và hệ chun khác nhau ở từng vị trí, giúp chiếc bỉm trở nên chắc chắn, ôm sát và chống xệ ngay cả khi bé vận động ở mọi tư thế.
Ngày nay, mỗi hãng sản xuất và kinh doanh bỉm trên thế giới đều đưa ra những sản phẩm có tính ưu việt riêng song những vật liệu cơ bản trong cấu trúc của một chiếc bỉm dường như đều giống nhau. Khoa học và công nghệ tiên tiến hiện đại cho phép các hãng đưa ra nhiều cải tiến về nguyên liệu và kiểu mẫu thiết kế của từng chiếc bỉm, nhờ thế mà những chiếc tã ngày càng trở nên ưu việt hơn, đẹp mắt hơn và trở nên không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại.