Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Xoa bụng khi mang thai có thực sự nguy hiểm?

Nhiều mẹ bầu cho rằng xoa bụng khi mang thai là việc làm nguy hiểm có thể dẫn tới sảy thai. Tuy nhiên, việc này có thực sự nguy hiểm đến mức vậy không?

Vợ chồng Lan cưới nhau được hơn 1 năm thì cô mới mang thai. Vì thế suốt thời kỳ thai nghén Lan luôn được chồng cưng chiều và lo lắng chăm sóc hết mực. Với đứa con trong bụng, chồng cô cũng hết sức thương yêu, cứ rảnh rỗi lúc nào là anh lại cưng nựng, xoa bụng vợ và nói chuyện với con, mong chờ ngày con chào đời khỏe mạnh để được ôm con trong vòng tay mình. Đôi lần vô tình thấy con trai xoa bụng vợ bầu, mẹ chồng Lan nhắc khéo con trai “Con đừng lạm dụng xoa bụng vợ khi mang thai như vậy, việc này có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của em bé trong bụng đấy con, đừng coi thường!”

Cứ nghĩ mẹ chồng có ý không hài lòng khi chồng quá yêu chiều mình, nhưng đến khi đi khám thai, Lan đem thắc mắc của mình hỏi bác sĩ mới biết rằng, chuyện xoa bụng khi mang thai có rất nhiều điều cần lưu ý.

Nhiều cặp vợ chồng có thói quen xoa bụng bầu trong khi trò chuyện với thai nhi (Ảnh minh họa: Internet)

  1. Trường hợp chị em không nên xoa bụng khi mang thai

Có một số thời điểm mẹ bầu hạn chế tối đa, thậm chí không nên xoa bụng bầu như sau:

– Mẹ bầu có dấu hiệu sinh non: Với chị em từng có tiền sử sinh non, động thai hoặc dọa sảy thai tốt nhất không nên xoa bụng bầu trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu. Việc làm này có thể khiến kích thích tử cung co bóp gây ảnh hưởng đến thai nhi.

– Thai nhi chuyển động nhiều: Đa số các bà mẹ đều rất thích đặt tay lên bụng để cảm nhận từng cử động khẽ khàng của con yêu trong bụng. Tuy nhiên, nếu bạn chợt cảm thấy con mình chuyển động nhiều hơn bình thường thì cần lưu ý. Việc vuốt ve bụng bầu thường xuyên sẽ làm mất không gian yên tĩnh của thai nhi, kích thích thai nhi cử động nhiều khiến dây rốn quấn cổ làm tăng nguy cơ sinh non. Lúc này mẹ bầu nên thăm khám để kịp thời phát hiện sự bất thường của thai nhi.

– Bà bầu có nhau tiền đạo: Đây là trường hợp bà bầu cần tuyệt đối tránh xoa bụng và có những tác động mạnh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bởi vì lúc này bánh nhau không bám ở mặt trước hay mặt sau đáy tử cung như bình thường mà bám ở phần dưới tử cung, che một phần hoặc che kín cổ tử cung. Với thai phụ bị nhau tiền đạo trong quá trình chuyển dạ sinh con gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn bình thường do thai nhi khó xoay đầu chui ra ngoài. Người mẹ cũng dễ mất nhiều máu trong quá trình sinh nở. Vì vậy, bất cứ một tác động mạnh vào bụng bầu trong thai kỳ cũng đều nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.

– Tháng cuối thai kỳ: Vào giai đoạn cuối thai kỳ, nhất là từ tháng thứ 7 trở đi đôi khi mẹ bầu có thể cảm nhận những cơn đau chuyển dạ giả. Hiện tượng này có thể xuất hiện do chị em xoa bụng quá thường xuyên hoặc không đúng chỗ dẫn tới kích thích co bóp tử cung, tạo ra các cơn đau chuyển dạ giả.

Bà bầu có tiền sử sinh non, dọa sảy thai hoặc bất cứ biểu hiện bất thường nào trong thai kỳ cần tránh xoa bụng bầu. (Ảnh minh họa: Internet)

  1. Massage bụng bầu dưỡng thai đúng cách

Mặc dù có những lưu ý đặc biệt trong việc xoa bụng khi mang thai nhưng nếu các mẹ thực hiện massage bụng bầu đúng cách thì đây là biện pháp giao tiếp mẹ con vô cùng tuyệt vời. Bản thân người mẹ có thể cảm nhận sự thay đổi của con yêu thông qua các cử động xoay người, đạp chân, vung tay… Với thai nhi, bé có thể cảm nhận phần nào về thế giới bên ngoài, kích thích trí não phát triển.

Hơn ai hết, mẹ bầu cần học cách lắng nghe cơ thể, hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và biết cách dự đoán những bất thường có thể xảy ra với con yêu để điều chỉnh mọi hành vi, cử chỉ của mình.

Dưới đây là một số cách xoa bụng bầu an toàn, có lợi.

– Xoa bụng bằng đầu ngón tay, không áp chặt cả bàn tay vào bụng, chỉ xoa nhẹ nhàng, từ tốn. Chị em có thể massage theo hướng vòng tròn để tránh cuống rốn bị rối.

– Thời gian massage bụng chỉ nên thực hiện dưới 5 phút. Tuyệt đối không nên xoa bụng nhiều lần trong ngày. Nên lựa chọn một thời gian cố định để xoa bụng, ví dụ giờ nghỉ trưa hoặc trước lúc mẹ đi ngủ buổi tối.

– Một số thai phụ sử dụng kem dưỡng để chống rạn da bụng hoặc tinh dầu massage thì cần chú ý trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn tránh gây kích ứng vùng da bụng. Càng những tháng cuối thai kỳ, bụng bầu phát triển to hơn, hiện tượng rạn bụng xuất hiện có thể khiến nhiều chị em bị ngứa da bụng, rốn lồi. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt khi bạn sinh con, vì vậy đừng quá lo lắng.

Một số ông bố bà mẹ cho rằng xoa bụng bầu mới là cách giao tiếp gần gũi với con yêu nhưng nếu thai kỳ của bạn có những dấu hiệu bất thường thì cần hạn chế hoặc tránh xoa bụng bầu. Bố mẹ có thể cùng con nghe nhạc, đọc sách, trò chuyện vui vẻ mà không cần thiết động chạm bụng bầu.

Như vậy xoa bụng khi mang thai có thể gây ra những nguy cơ cho mẹ và bé trong trường hợp lạm dụng và thực hiện sai phương pháp. Ngược lại, nếu biết cách xoa bụng thì bố mẹ và bé sẽ có những lợi ích thiết thực, đặc biệt là cảm xúc đặc biệt khi cha mẹ và con lần đầu cảm nhận về nhau.


Bài viết liên quan