Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Trầm cảm sau sinh đáng sợ tới mức nào?

Mặc cảm, tự tử và làm hại con liệu có phải là tất cả những gì mà trầm cảm sau sinh gây ra?

Thực trạng trầm cảm sau sinh

Theo con số thống kê cho thấy có đến hơn 13% các bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau khi sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ có một số triệu chứng liên quan tới trầm cảm mà không được coi trầm cảm điển hình thì tỉ lệ này còn cao hơn rất nhiều, lên tới 30 – 80%. Nhóm này được gọi là trầm buồn sau sinh (baby blues), có các biểu hiện như trầm buồn, lo lắng, khóc, ngủ không ngon, mệt mỏi… Thông thường các triệu chứng của trầm buồn sau sinh sẽ tự động biến mất sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không có sự cải thiện mà tiếp tục kéo dài hoặc nặng hơn thì rất có thể mẹ đã mắc trầm cảm thực sự.

Có lẽ các mẹ đều nhận thấy gần đây các sự việc liên quan đến trầm cảm sau sinh cứ liên tiếp xảy ra như mẹ tự tử, mẹ giết hại con… khiến mọi người không thể không chú ý. Đây như là một lời cảnh báo tới các mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của mình, đồng thời cũng như cảnh báo tới người thân trong gia đình cần quan tâm hơn tới mẹ bầu hoặc mới sinh.

Rất nhiều bà mẹ bị trầm cảm sau sinh đã gây ra hậu quả đáng tiếc do không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời.

Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều hệ quả đáng tiếc

  • Đối với mẹ:

Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều tổn hại cả về thể chất và tinh thần cho người mẹ. Mẹ sẽ khó phục hồi và không thể đảm đương vai trò của người làm mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dạy con, không thể tạo ra sự gắn bó mật thiết và an toàn giữa mẹ và con để trẻ có môi trường phát triển tốt nhất. Hay nói một cách đơn giản nhất, mẹ sẽ không thể chăm sóc và giáo dục con như các bà mẹ khác được.

  • Đối với con:

Con của các mẹ mắc trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh thường mắc các vấn đề cả về cảm xúc và hành vi.

+ Các bé thường tăng cân chậm, dễ quấy khóc, dễ nóng nảy, bực bội.

+ Nghiên cứu cho thấy con của các mẹ mắc trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc tăng động giảm chú ý cao hơn, chậm nói hơn, con cũng có nguy cơ mắc lo âu, trầm cảm cao hơn các bạn khác.

+ Nhìn chung, các con dễ có khả năng không đạt được các mốc phát triển về cân nặng, chiều cao, ngôn ngữ, hành vi như các trẻ của các mẹ không mắc trầm cảm sau sinh.

Hậu quả nặng nề nhất, thương tâm nhất của trầm cảm sau sinh là các mẹ tự sát hoặc làm hại con, giết con rồi cũng tự sát.

Vậy có cách nào nhận biết trầm cảm sau sinh để có thể hạn chế các trường hợp không hay xảy ra?

Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà bạn không thể tưởng tượng nổi. Hãy đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ các mẹ sau sinh nhiều hơn nữa nhé!

Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh

Dưới đây là một số biểu hiện giúp các mẹ cũng như người thân trong gia đình sớm nhận biết để có sự hỗ trợ kịp thời:

  • Về cảm xúc: Mẹ mắc trầm cảm sau sinh sẽ trầm buồn, trống rỗng, ủ rũ, thất vọng, hay khóc. Mất dần hứng thú với các hoạt động mà vốn trước đây yêu thích.
  • Về hành vi: Hay nói những lời tiêu cực, lúng túng khi chăm con hoặc không gần muốn gần con. Dễ khóc mà không biết khóc vì điều gì, tự nhiên có các cơn giận bùng phát không phù hợp (quát, hét lớn, đập phá đồ đạc).
  • Về nhận thức: Không có niềm tin vào bản thân, suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ, nghĩ mình vô dụng, mình là người có tội lỗi, xấu hổ vì nghĩ rằng mình không phải bà mẹ tốt nên không nên sinh con ra, vì vậy mà có suy nghĩ tự tử. Hoặc chán ghét khi nhìn thấy con.
  • Về sinh lý: Cảm giác không ngon miệng nên không muốn ăn, chán ăn gây ra sụt cân, mất ngủ hoặc là ngủ quá nhiều, luôn cảm thấy mệt mỏi và không có hứng thú muốn gần gũi với chồng.

Đó là những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và hệ quả mà nó gây ra. Muốn tránh chứng bệnh này, các mẹ cần có các biện pháp giải tỏa căng thẳng và thư giãn một cách hợp lý để tinh thần ở trạng thái tích cực nhất. Tuy nhiên, nếu mẹ nào đọc xong những dòng này mà cho rằng mình đã mắc trầm cảm sau sinh thì cũng chớ vội bi quan. Mẹ hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc các cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ sớm nhất, mẹ nhé!


Bài viết liên quan