Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Vì sao phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh càng ngày càng nhiều?

Người mẹ đã tự tay bức hại chính đứa con “dứt ruột đẻ ra” của mình. Điều gì khiến họ hành động như vậy?

Một vài năm trở lại đây, “trầm cảm sau sinh” là cụm từ được mọi người đặc biệt chú ý và cũng tìm kiếm rất nhiều bởi những vụ như mẹ giết con, mẹ ôm con tự tử, mẹ giết con rồi tự sát… cứ liên tiếp xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn. Những sự việc vừa đau lòng, vừa thương tâm ấy khiến cộng đồng không khỏi băn khoăn với những câu hỏi “Trầm cảm sau sinh là gì?” “Vì sao người mắc bệnh này lại đều hành động như vậy?” “Ngày xưa có thấy đâu mà sao bây giờ xảy ra nhiều lắm thế?”…

Thực trạng trầm cảm khi mang thai và sau sinh ở phụ nữ

Một nghiên cứu của Đại học Bristol khảo sát trên 2.570 phụ nữ, trong đó có 1.390 bà mẹ sinh con vào đầu những năm 1990 và 180 bà mẹ sinh con ở thế hệ tiếp theo (tức những người này là con gái hoặc con dâu của các bà mẹ sinh ở thế hệ trước). Kết quả nghiên cứu cho thấy có 17% bà mẹ ở thế hệ trước bị trầm cảm, trong khi 25% bà mẹ ở thế hệ sau bị mắc bệnh này. Và khả năng bị trầm cảm khi mang thai ở bà mẹ trẻ ngày nay cao hơn tới 51% so với thế hệ trước.

Đó là những con số khiến chúng ta không thể không lưu tâm bởi trầm cảm không chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của con khi còn nằm trong bụng mẹ cũng như về cả sau này.

Ngày càng có nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.

Vậy vì sao phụ nữ lại càng ngày càng mắc trầm cảm nhiều như vậy?

Hoàn cảnh xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời các bà các mẹ chúng ta sống. Bởi vậy các vấn đề xã hội cũng từ đó mà phát sinh nhiều hơn.

Những nguyên nhân có thể là yếu tố khiến phụ nữ ngày nay mắc trầm cảm nhiều hơn, có thể là:

– Không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng phải chịu áp lực tài chính:

Xã hội thay đổi theo hướng hiện đại hơn, tiện nghi hơn thì mọi chi phí cũng đều tăng giá theo. Nếu như bố mẹ, ông bà chúng ta trở về trước, người đàn ông có thể gánh vác kinh tế của cả gia đình thì ngày nay, người phụ nữ cũng phải đi làm mới đủ đảm bảo các khoản chi tiêu. Hơn nữa, công việc ngày càng áp lực hơn, đòi hỏi sự cạnh tranh nhiều hơn, do đó người phụ nữ không chỉ phải làm tốt việc nhà mà còn phải đáp ứng yêu cầu công việc.

Nhiều bà mẹ bỉm sữa phải quay trở lại với công việc sớm hơn thời gian quy định 6 tháng (theo Luật lao động). Như vậy, chị em vừa chăm sóc con nhỏ, vừa phải đảm bảo hoàn thành công việc tại nơi làm việc.

– Áp lực cuộc sống nhiều hơn:

Từ việc chăm sóc đến giáo dục con cái ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước. Trước kia mọi người chỉ cần ăn no, mặc ấm, biết đọc biết viết, biết tính toán là đủ. Tuy nhiên, yêu cầu của xã hội cao hơn đòi hỏi công dân không thể chỉ dừng lại ở đó. Vì vậy, không chỉ nuôi dạy con mà đến cha mẹ cũng cần phải thay đổi bản thân mình nếu không muốn bị coi là tụt hậu. Hệ quả tất yếu sẽ xảy ra, khi chúng ta chạy theo đòi hỏi của xã hội, ta phải cố gắng hơn rất nhiều và kéo theo áp lực cũng hơn rất nhiều. Người phụ nữ sẽ phải đóng rất nhiều vai như : là dâu hiền, vợ đảm, mẹ mẫu mực, nhiên viên xuất sắc.

– Đam mê và kỳ vọng thành công nhiều hơn:

Phụ nữ ngày nay đa số đều có học thức hơn trước, trình độ nhận thức cũng cao hơn. Do đó, các mẹ cũng muốn được theo đuổi đam mê, những mục tiêu riêng của mình và đương nhiên muốn thực hiện những điều đó các mẹ phải đầu tư thời gian, công sức. Tuy nhiên, tham vọng muốn làm tốt tất cả mọi thứ sẽ khiến các mẹ phải chịu ảnh hưởng từ những tác động kéo theo sau.

– Lối sống vợ chồng thay đổi:

Lối sống, nhu cầu của các cặp vợ chồng trong thời đại công nghệ cũng thay đổi rất nhiều so với thời kì trước. Ngoại tình, ly hôn xảy ra nhiều hơn. Việc cảm thấy không nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của chồng là một trong số nguyên nhân lớn nhất khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm khi mang thai hoặc sinh con.

– Chưa chuẩn bị kỹ năng làm mẹ:

Kết hôn sớm trong khi người phụ nữ chưa có chỗ đứng trong xã hội, chưa có thu nhập riêng khiến chị em phải lệ thuộc tài chính gây ra những áp lực tâm lý không nhỏ. Hơn nữa, vì tuổi đời làm mẹ còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống nói chung cũng như kinh nghiệm nuôi con nhỏ tạo ra sức ép nặng nề cho chị em phụ nữ, đặc biệt những người làm mẹ lần đầu.

Vậy có cách nào để các mẹ cân bằng được mọi khía cạnh trong cuộc sống?

Cách phòng tránh trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh

– Việc sinh con cũng khiến các mẹ chịu áp lực không nhỏ, lại cộng thêm áp lực công việc, gia đình. Do đó, nếu không có cách giải tỏa hợp lý sẽ rất dễ khiến tinh thần đi xuống, stress kéo dài và trầm cảm. Vì vậy các mẹ cần phải có các biện pháp thư giãn như tập yoga, tập thể dục, dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân.

– Chia sẻ cảm xúc, mong muốn của mình với mọi người trong gia đình, đặc biệt là với chồng. Bởi chồng mới là nguồn động viên tinh thần lớn nhất của các mẹ, có đúng không nào?

– Nếu thực sự các mẹ đã thử các biện pháp thư giãn, có giữ sự cân bằng mà vẫn cảm thấy không ổn, đừng ngại mà hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý nhé. Người có chuyên môn chắc chắn sẽ giúp các mẹ giải tỏa mọi khó khăn.

– Chuẩn bị tốt những kỹ năng làm cha mẹ bằng các nguồn thông tin từ sách báo, kinh nghiệm của bạn bè, người thân, tham gia các lớp học dành riêng cho các ông bố bà mẹ tương lai.

– Có kế hoạch tài chính ổn định cho việc mang thai và sinh con.

Sức khỏe thể chất và tinh thần của cả mẹ và con là điều quan trọng nhất, vì vậy không thể coi nhẹ. Nếu bạn là bà mẹ sau sinh và đang nghi ngờ mình có những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, đừng ngần ngại đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.


Bài viết liên quan