Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Cúm khi mang thai, mẹ bầu đừng chủ quan!

Trong khi mang thai, hệ miễn dịch của thai phụ yếu đi khiến cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập làm cho chị em bị cúm và các bệnh truyền nhiễm khác.

Phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thường nặng hơn so với phụ nữ bình thường. Bởi vì khi mang thai, cơ thể giảm sút khả năng miễn dịch, do đó bệnh cúm trở nên nguy hiểm hơn đối với bà bầu.

Điều đáng lo ngại là không chỉ cúm mà hầu hết những bệnh do virus gây ra ở phụ nữ mang thai thường kéo dài nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trung bình, ở người bình thường, cúm kéo dài 3 đến 4 ngày nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn rất nhiều.

Triệu chứng cảm cúm

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau họng, chảy nước mũi, sốt trên 38oC. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác bao gồm: đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khó tiêu, tiêu chảy.

Bệnh cảm cúm có triệu chứng giống nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác, khiến mẹ bầu chủ quan

Điều trị sớm bệnh cúm

Trong trường hợp thai phụ thấy mệt mỏi, có những triệu chứng giống như bị cúm hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức. Nếu cần thiết, hãy đề nghị các bác sĩ kê cho bạn các loại thuốc chống virus để điều trị cúm.

Nếu thai phụ bị sốt do nhiễm virus cúm hoặc các bệnh lây nhiễm khác trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Do vậy, mẹ bầu bị sốt cần được điều trị và tư vấn từ bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp thai phụ bị sốt và kèm theo các dấu hiệu như: khó thở hoặc thở nông, đau hoặc tức ngực, chóng mặt bất ngờ, nôn ói kéo dài, thai nhi giảm khả năng hoạt động… bạn cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.

Bà bầu bị cúm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng

Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non, hở hàm ếch và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Các nhà nghiên cứu Viện tâm thần New York (Mỹ) khẳng định có mối tương quan giữa việc nhiễm cúm của người mẹ trong thời kì mang thai và nguy cơ rối loạn tâm thần ở em bé trưởng thành bởi não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm.

Cảm cúm khi mang thai có thể gây nhiều hậu quả nghiệm trọng, do vậy chị em không nên coi thường và cần thăm khám sớm khi phát hiện dấu hiệu bệnh

Phòng ngừa cảm cúm khi mang thai

Theo ý kiến chuyên gia, tiêm ngừa cúm không chỉ bảo vệ thai phụ khỏi nhiễm cúm mà còn bảo vệ sức khỏe em bé ngay cả khi bé ra đời.

Cảm cúm có nhiều khả năng gây ra các bệnh nghiêm trọng ở thai phụ hơn là ở những người bình thường khác. Những biến đối ở cơ thể, sự thay đổi miễn dịch, tim và phổi trong suốt quá trình thai nghén  khiến mẹ bầu gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp bệnh cúm tiến triển nặng đến mức thai phụ phải nằm điều trị tại bệnh viện hoặc dẫn tới tử vong.

Tiêm phòng cúm trong thời gian thai nghén đã được chứng minh có tác dụng giúp bảo vệ cả thai phụ lẫn bé sau khi  sinh (tới 6 tháng tuổi) khỏi bệnh cúm. Chị em cần chủ động tiêm phòng trước khi mang thai 3-4 tháng, thậm chí có thể tiêm phòng cúm ngay trong thời gian mang thai. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, hãy chủ động đi tiêm trước khi bệnh xuất hiện và gây ra những khó chịu, nguy hiểm cho mẹ bầu.


Bài viết liên quan