Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Nếu có những đặc điểm này bạn có nguy cơ sinh mổ cao

Trong nhiều trường hợp thai phụ phải chấp nhận mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Không ít thai phụ bắt buộc phải sinh mổ chủ động. Tức là ngay trong thai kỳ, họ đã được bác sĩ chỉ định mổ lấy thai vì một số lý do dưới đây:

Sản phụ đã từng sinh mổ

Đa số chị em đã từng sinh mổ ở các lần sinh trước thì lần sau sẽ tiếp tục sinh mổ. Đặc biệt là trường hợp sản phụ đã từng sinh mổ mà khoảng cách giữa các lần sinh dưới 3 năm, vết mổ đã từng biến chứng hoặc thai kỳ không bình thường… đều sẽ được khuyến cáo sinh mổ để giảm thiểu tai biến vỡ tử cung. Tuy nhiên, không ít trường hợp chị em đã trải qua việc sinh mổ lần đầu nhưng lần sinh con kế tiếp lại sinh thường một cách khỏe mạnh. Do đó, thai phụ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, cân nhắc lợi hại để lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

Mẹ mắc bệnh truyền nhiễm

Nếu mẹ bầu đang mắc các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh lây qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai, HIV, bác sĩ sẽ khuyên chị em cân nhắc việc sinh mổ để tránh lây nhiễm dịch sinh dục cho thai nhi nếu sinh qua ngả âm đạo.

Mẹ bầu mang thai đôi trở lên hoặc thai có trọng lượng quá lớn sẽ dễ phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé

Mang bầu đa thai

Mẹ bầu mang thai đôi trở lên cơ thể luôn mệt mỏi và gặp nhiều khó khăn trong thai kỳ cũng như quá trình sinh nở hơn các mẹ bầu chỉ mang thai đơn. Đây cũng là một trong những trường hợp bác sĩ sẽ khuyên chị em sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Thai phụ mắc bệnh mãn tính

Không ít chị em trước khi mang bầu trong người đã có bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… Tình trạng bệnh có thể gây ra các biến chứng trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, đặc biệt là làm giảm khả năng co bóp tử cung khiến cuộc sinh gặp nhiều rủi ro. Do vậy, nếu mẹ bầu có bệnh mãn tính cũng được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho thai phụ và em bé.

Nhau tiền đạo

Hiện tượng nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai nằm ở vị trí thấp che kín một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung của người mẹ. Điều này có thể đe dọa tính mạng của thai phụ do gây chảy máu nhiều trong ca sinh do vậy bắt buộc bà bầu phải sinh mổ.

Một số trường hợp thai phụ bắt buộc phải sinh mổ sau khi chuyển dạ do những diễn biến bất thường nằm ngoài dự kiến

Thai nằm ở vị trí không thuận lợi

Trong tháng cuối cùng của thai kỳ, đặc biệt là sát ngày dự kiến sinh, nếu thai nhi đã quay đầu xuống dưới đi vào ống sinh, mặt úp vào phía trong bụng mẹ thì sẽ rất thuận lợi cho việc chào đời. Ngược lại, nếu em bé nằm ngang (ngôi ngang) hoặc đầu thai nhi hướng lên trên, mông quay xuống dưới phía tử cung của mẹ (ngôi mông) để tránh rủi ro khiến thai nhi không tiếp nhận đủ oxy cũng như dẫn tới suy thai, mẹ bầu bắt buộc phải sinh mổ.

Thai có dị tật

Mặc dù đã biết trước thai nhi có dị tật nhưng nhiều bà mẹ vẫn quyết định sinh con và nuôi con trưởng thành. Tuy nhiên, trong quá trình sinh, thai phụ sẽ phải sinh mổ để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra thêm.

Kích thước thai quá lớn

Thông qua phương pháp siêu âm, bác sĩ có thể ước lượng trọng lượng của thai nhi. Nếu em bé có cân nặng vượt chuẩn hoặc đường kính lưỡng đỉnh quá lớn sẽ rất khó khăn để sinh thường do khung xương chậu của mẹ quá nhỏ.

Sinh mổ cấp cứu

Có nhiều trường hợp thai phụ không có bất kì các dấu hiệu bắt buộc phải sinh mổ trong thai kỳ nhưng đến thời điểm chuyển dạ lại phải áp dụng biện pháp mổ lấy thai cấp cứu vì diễn biến bất thường như:

-Thai phụ có dấu hiệu tiền sản giật nghiêm trọng.

-Thai phụ chảy máu nhiều trong quá trình chuyển dạ, vỡ tử cung, sa dây rốn.

-Xác định sinh thường nhưng khi chuyển dạ cổ tử cung không mở.

-Thai nhi có nhịp tim bất thường hoặc sự hấp thụ oxy của bé bị cản trở.

Vẫn biết bà mẹ nào cũng mong muốn sinh con ra theo cách thuận tự nhiên sẽ tốt cho đứa bé. Nhưng nếu không may bắt buộc phải sinh mổ vì những lý do nêu trên thì mẹ cũng đừng vì thế mà lo lắng. Chỉ cần em bé chào đời khoẻ mạnh thì mọi đau đớn, mệt mỏi cũng tan biến phải không nào?


Bài viết liên quan