Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Chuyện ăn rong – thói quen nhỏ, hậu quả lớn

Cho trẻ ăn rong là hình ảnh vô cùng quen thuộc với mỗi gia đình có trẻ nhỏ, tuy nhiên các bà các mẹ có lường trước được tác hại của thói quen phổ biến này?

Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc cho trẻ ăn rong trong vài năm trở lại đây. Nhiều mẹ cho rằng từ trước tới nay, ông bà bố mẹ vẫn làm thế, con vẫn lớn bình thường chả có vấn đề gì cả mà bây giờ lại đưa ra phản đối cách cho ăn này. Vậy thì thực hư câu chuyện này là như thế nào?

Các bà mẹ có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh rong con khắp nhà, rồi cả ra đường, cố tìm mọi cách để con ăn hết được bát bột hay một người làm trò, đánh lạc hướng cháu để cháu “xơ ý” là tranh thủ đút ngay một thìa thật đầy. Những câu quen thuộc như “Ô con chim kìa” “Ồ ô tô đẹp quá” “Há mồm ra không ông ba bị bắt bây giờ” “Không ăn là con ngáo ộp đến đấy”…

Mục đích của các bà các mẹ là miễn sao cho con cháu ăn hết được bát bột, vậy là coi như hoàn thành nhiệm vụ và thở phào nhẹ nhõm.

Một số chuyên gia về tư vấn Dinh dưỡng trẻ em khẳng định: Bố mẹ cho con ăn rong hoàn toàn không có lợi cho trẻ về mặt sinh lý, vệ sinh cũng như tạo lối sống sinh hoạt không tốt cho trẻ.

– Về mặt sinh lý:

Khi mẹ cho trẻ ăn rong, tức là dùng ngoại cảnh để đánh lạc hướng  sự tập trung của trẻ, lợi dụng sự phân tán để cho trẻ ăn một cách thụ động. Khi ăn thụ động như vậy thì não bộ sẽ điều khiển hệ tiêu hóa theo cách chủ động vì vậy các men tiêu hóa tiết ra và hoạt động co bóp của dạ dày rất miễn cưỡng. Dẫn đến tình trạng không hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến dạ dày và hệ tiêu hóa sẽ có nguy cơ hoạt động ngày càng kém đi.

– Về mặt vệ sinh:

Khi cho ăn rong, bát cháo các mẹ cầm trên tay để cả tiếng đồng hồ, bưng đi hết chỗ này qua chỗ khác, bao nhiêu bụi bẩn, ô nhiễm trong không khí sẽ bám và trộn lẫn với thức ăn của con. Vậy mà mẹ vẫn cố công nhồi nhét bát cháo ấy vào miệng trẻ. Thử hỏi con không bệnh sao được? Bát cháo đó có còn ngon

– Về mặt thói quen:

Muốn con tập trung vào bữa ăn, con hấp thụ tốt lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể, khuyến nghị trẻ phải được ngồi ăn. Ngày nay, rất nhiều gia đình cho con đi ăn rong hay cho xem tivi, mở điện thoại thông minh làm con xao lãng, lợi dụng lúc con không để ý để đút thức ăn là không đúng. Điều đó càng khiến tình trạng biếng ăn, chán ăn của con trở nên nặng hơn mà thôi.

Vậy phải làm thế nào để con ăn nhiều hơn mà không phải rong nữa?

Biết rằng việc cho con ăn rong thực chất cũng khiến các bà các mẹ rất mệt mỏi chứ không hề sung sướng chút nào. Vậy giải pháp là gì?

Các mẹ phải hình thành cho trẻ thói quen ăn ngồi và khi đó chỉ tập trung vào bữa ăn ngay từ khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Với các con đã quen với ăn rong thì việc thay đổi sẽ khó khăn hơn. Thiết lập lại thói quen ăn uống lành mạnh cho con ngay từ hôm nay bằng cách để “hãy cứ để con đói”.

Để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, các mẹ phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

  1. Ăn đúng giờ, không được thỏa hiệp với mong muốn của con.
  2. Hạn chế tối đa bữa phụ, không được cho con uống sữa hay đồ ăn vặt vì sợ con đói.
  3. Đến bữa chính tiếp theo, mẹ lại cho con ngồi ghế ngay ngắn để ăn. Trường hợp con tiếp tục không ăn, không sao cả. Mẹ hãy tôn trọng mong muốn của con.
  4. Nếu trong cả ngày hôm đó, con không hề ăn bữa chính nào thì đến tối trước khi đi ngủ, mẹ xem con có dấu hiệu đói hay không, nếu có thì có thể cho con uống hộp sữa. Nếu con vẫn không muốn, mẹ cứ vui vẻ và yên tâm.
  5. Các mẹ cần nhớ, nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của con trẻ là rất bản năng. Trẻ sẽ ngủ khi muốn và đòi ăn khi đói. Vì vậy mẹ không cần quá lo lắng cho con đâu.

Bên cạnh các nguyên tắc trên thì một số điều kiện cũng vô cùng quan trọng để hình thành thói quen cho con, đó là: Một là phải thực sự kiên trì và kiên định, không được thỏa hiệp với con, sau khoảng 2 – 3 tuần, con sẽ hình thành được nếp ăn uống ngủ nghỉ khoa học. Hai là người lớn trong gia đình phải thống nhất với nhau trong cách nuôi dạy con, nếu không trẻ rất dễ khủng hoảng hoặc sinh hoạt bừa bãi vì mỗi người có cách tác động một kiểu.

Một nếp sống tốt, văn minh ở trẻ luôn hình thành từ hành vi của người lớn, các mẹ nhớ nhé!


Bài viết liên quan