Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Mẹ khéo giúp con sửa những thói quen xấu

Ai cũng có những thói quen xấu và vì các bé còn nhỏ nên sẽ dễ dàng thay đổi nếu được cha mẹ phát hiện và rèn giũa đúng cách.

Dưới đây là một vài thói quen xấu thường gặp ở trẻ nhỏ và những giải pháp. Bạn hãy thử xem bé nhà mình có tiến bộ hơn trước khi được mẹ sửa cho những thói quen xấu không nào.

Mút tay

Đây là thói quen thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bé thường vô tư hồn nhiên cho cả 5 đầu ngón tay mút “ngon lành”, thậm chí có bé còn gặm cả chân. Thực chất đây là một phản xạ bú mút bình thường ở trẻ nhỏ, tuy nhiên nếu kéo dài và không nhắc nhở để bé sửa bỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Việc mút tay thường xuyên có thể khiến sai lệch cấu tạo hàm của trẻ, đồng thời tạo điều kiện gây bệnh truyền nhiễm tiếp xúc qua bàn tay chứa nhiều vi khuẩn của trẻ.

Cha mẹ cần nhắc nhở bé thường xuyên về việc “Mút tay là xấu”, “ Chỉ có em bé mới mút tay thôi con”. Sau khi bé mút tay, cần lau rửa sạch tay, miệng của trẻ và lưu ý để tránh cho bé đưa tay lên mút. Thời gian đầu việc nhắc nhở trẻ khiến cha mẹ thấy khó khăn nhưng dần dần trẻ sẽ tiếp thu và loại bỏ dần thói quen xấu này.

Cắn móng tay

Người lớn cũng có thói quen cắn móng tay, nhưng thói quen này ở trẻ nhỏ thì đặc biệt nguy hiểm. Trẻ thường xuyên nghịch ngợm, vui chơi móng tay nhanh dài và chứa đầy vi khuẩn gây bệnh khác nhau, nếu không được vệ sinh thường xuyên bé có nguy cơ mắc nhiều bệnh giun sán, tiêu chảy do ngậm, cắn móng tay.

Trẻ cắn móng tay thường xuyên có thể gây biến dạng móng và các bệnh về móng.

Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cần định kỳ cắt móng tay cho trẻ để bé quen nếp vệ sinh thân thể và nhắc nhở để con biết rằng cắn móng tay là xấu. Rửa tay thường xuyên cho bé trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh lây nhiễm.

Ngoáy mũi

Đây là thói quen cực xấu nhưng lại là “trò chơi thích thú” của không ít trẻ nhỏ. Nếu nhận thấy con có thói quen vệ sinh mũi bằng cách “tự xử”, cha mẹ cần thẳng thắn nhắc nhở. Dùng tay ngoáy mũi thường xuyên vừa là hành vi kém vệ sinh lại có khả năng khiến mũi mắc các bệnh viêm nhiễm, xuất huyết niêm mạc mũi ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, khi trẻ ngoáy mũi nhiều lần trong ngày, gia đình cần kiểm tra để kịp thời phát hiện các bệnh về đường hô hấp có thể gặp ở trẻ. Định kỳ vệ sinh tai – mũi – họng cho trẻ hàng ngày bằng cách sử dụng dung dịch nước muối nhạt.

Lấy tay chùi mũi

Dù bạn đã đeo sẵn yếm cho con nhưng bé vẫn có thói quen lấy tay chùi nước mũi, là chuyện khiến các bà mẹ vô cùng bực mình. Hãy nhớ rằng, bé chỉ đang hành động một cách thiếu ý thức mà thôi. Nhẹ nhàng nhắc bé về cách sử dụng yếm dãi hoặc khăn giấy để lau mũi, miệng khi bẩn thay vì quát nạt bé.

Mẹ nên nhẹ nhàng hướng dẫn con dúng khăn giấy hoặc yếm để chùi nước mũi.

Lười đánh răng

Nếu bé lười chăm sóc răng miệng thì cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao? Do bé không thích mùi vị kem đánh răng, lông bàn chải quá cứng hoặc đơn giản vì bé ngại.

Bạn cần nắm rõ nguyên nhân để có những biện pháp ứng xử phù hợp giúp bé hình thành thói quen tốt mới.

Có rất nhiều mẹo hay giúp bé quan tâm chăm sóc hàm răng của mình như: Mẹ kể chuyện để bé biết tác hại khi “con sâu” tấn công hàm nhai của bé; những bài hát ngộ nghĩnh về việc bé đánh răng; hay cùng đưa bé đi siêu thị để chọn lựa bàn chải, kem đánh răng bé thích…

Hãy nhắc nhở và cùng bé thực hành việc đánh răng vào mỗi giờ cố định trong ngày, trước khi đi ngủ và sau khi ăn xong.

Hắt hơi quên không che miệng

Mẹ cần nhắc nhở bé dùng khăn tay, khăn giấy hoặc đưa khuỷu tay lên che miệng khi muốn hắt hơi hoặc ho. Việc làm này giúp bé giữ phép lịch sự khi ở nơi công cộng, đồng thời tránh lây nhiễm bệnh cho mọi người xung quanh nếu bé đang ốm mệt.

Mọi thói quen tốt đều có thể hình thành, thay thế thói quen xấu nếu cha mẹ và các thành viên trong gia đình cùng làm gương và giúp bé củng cố hành vi theo thời gian.


Bài viết liên quan