Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Hỡi ôi! Mẹ lười

Phải chăng xã hội càng phát triển, càng dân chủ thì cũng là lúc những bà mẹ hiện đại nghĩ nhiều hơn đến lợi ích cá nhân thay vì quan tâm, chăm sóc con bằng tình thương và trách nhiệm của người mẹ?

Hải Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chưa hết bực vì hôm nay là ngày giỗ bố mà mẹ cô vừa tất bật đi chợ lo mấy mâm cơm lại còn bận chân bận tay với thằng cháu nội. Hà căng thẳng hỏi mẹ: “Mẹ cu Ken đi đâu mà giờ này không đến phụ giúp cùng mọi người mà còn đẩy thằng bé sang đây, mẹ cứ ôm khổ vào thân thì để ai sướng cho”. Hà hỏi mẹ thế chứ cô cũng chỉ thầm lắc đầu ngao ngán.

Chăm con sợ xấu

Chị dâu Hà tên Thu, lấy anh trai cô đã hơn 3 năm, tuổi đã 30 nhưng tính tình thì vô tư hơn trẻ con. Kể từ ngày cu Ken ra đời, Thu tự cho rằng, mình đã sinh được cháu đích tôn cho nhà này nên tự cho mình là công thần số 1. Hết tháng đầu kiêng cữ, Thu bảo với cả nhà, sức khỏe mình yếu lắm giờ cứ cho cu Ken bú mẹ hoài thì cô thành cái xác ve. Nào là mẹ chồng, em chồng, chồng đều phân tích thiệt hơn, lắm lúc nổi cáu với Thu mong cô nghĩ lại quyết định cai sữa cho cu Ken nhưng Thu nói không là không. Lý lẽ của cô đưa ra rằng: sữa mình kém chất, con ăn chẳng có gì bổ béo, nhà có điều kiện thì tội gì không cho thằng bé ăn sữa ngoài vừa bổ, vừa có chất. Riêng chỉ có Bình, chồng Thu là hiểu mục đích thực sự của vợ ấy là sợ hỏng dáng mà thôi.

Cùng với suy nghĩ như Thu, thì Lý Lan (TPHCM) lại có quan điểm: “mẹ nào mẹ chẳng thương con nhưng kiểu gì con chẳng lớn chẳng khôn, còn tuổi trẻ của mẹ thì chỉ có một lần, nếu không biết chăm sóc, giữ dáng cho mình lúc nào cũng đầu bù tóc rối lo chuyện tã bỉm, hay vén áo lên cho con bú chùn chụt thì sớm muộn chồng cũng bỏ theo gái mà thôi”. Nghĩ vậy nên cô chọn phương pháp sinh mổ ngay từ sớm, rồi viện lý do phải uống thuốc kháng sinh, sữa kém nên “từ chối cho con bú”.

Nhiều em bé bị tước bỏ quyền lợi được hưởng dòng sữa mẹ vì mẹ bé lo hỏng dáng. Thay vào đó các bé phải chấp nhận làm quen với sữa công thức ngay từ khi mới sinh

Cháu của ông bà

Như Thu, nhân vật trong đầu câu chuyện, chỉ vì nghĩ mình đã hoàn thành một nhiệm vụ vô cùng to lớn cho gia đình chồng, nên khi con được 6 tháng tuổi và cũng là lúc cô đi làm trở lại thì như mở cờ trong bụng. Thôi thì tuần từ thứ 2 đến thứ 7, người ta chỉ thấy cô tít mít ở bên ngoài vì “ công việc bận rộn lắm, vừa đi làm trở lại thì phải cố gắng”. Ai biết được rằng cô còn mải shopping chỗ nọ, chỗ kia, ngắm đồ cho cô, cho thằng cu ở nhà, đi mua sắm cho con chứ nào phải ai đâu. Lúc thì thấy cô đến tiệm spa này, đến salon kia để làm mặt, chăm sóc da vì “sau sinh mình mà không tân trang thì sớm trở thành…con mái sề trong mắt chồng và mọi người”. Rồi đi làm cả ngày, về đến nhà con quấy khóc nhằng nhẵng sức đâu mà chịu thấu.

Tất cả những lý do đó đã khiến cô lờ đi chuyện bà nội tất bật ở nhà hết cơm nước rồi lại lo trông cháu. Cháu thì có phải dễ ăn, dễ nuôi như cháu người ta gì cho cam. Hết ho, sổ mũi vì sức đề kháng kém rồi lại viêm da dị ứng, người lúc nào cũng phát ban nên càng quấy khóc khó chịu.

Có lần, mấy cô bạn của Thu kêu: “ Mày thế mà sướng, lấy chồng muộn nhưng được chồng ngoan, mẹ chồng tốt, có bà chăm bẵm con cái cho tha hồ rảnh rang ăn chơi”. Thu cười phớ lớ, vô tư bảo: “Số cả đấy, cháu là cháu ông bà, ông bà không thương, không chăm thằng đích tôn thì còn ai vào đây. Mình mang nặng, đẻ đau 9 tháng 10 ngày, rồi bao nhiêu mệt mỏi trong những ngày ấy chứ ít gì. Mà các bà có kinh nghiệm, cứ để bà nuôi cháu, tham gia vào lại chuyện mẹ chồng, nàng dâu thêm mệt người”.

Hết nuôi con, đến khi về già ông bà lại lo chăm cháu

Con ở với bà cơ

Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi con về bà ngoại từ lúc bé được 15 tháng tuổi để cai sữa và chuẩn bị cho bé đi gửi trẻ. Lấy lý do đi làm ở tận trung tâm thành phố mà nhà thì xa, cô gửi con cho mẹ rồi hai vợ chồng thuê nhà ở gần chỗ làm cho tiện, cuối tuần lại về với con. Nhưng cái cuối tuần ấy thì cũng khó, lúc thì cô kêu mệt, cả tuần mới có ngày nghỉ lại mất 80 cây số cả đi và về thì sức đâu để làm. Rồi về thì con nó lại bám mẹ, nó khóc thì khổ nó, còn giờ đã có facebook, muốn nhìn con, biết con làm gì thì thằng em trai học lớp 11 của Minh cứ chụp ảnh cháu, quay clip up lên “phây” là cô đều biết mọi chuyện đang xảy ra với con, chứ đâu phải không biết gì.

Cứ như thế cho đến khi bé Mun con gái Minh được 2 tuổi, vợ chồng cô về đón con đi chơi xa vài ngày, được mấy tiếng đầu con bé ngồi ngoan nhưng đêm đến ở khách sạn con bé khóc thét nằng nặc đòi về với bà ngoại vì con không quen hơi bố mẹ, lạ nhà, lạ người khiến bé càng sợ hãi. Ôm con trong vòng tay mà nó cứ đẩy mẹ ra và một mực kêu: “Không chịu, không chịu đâu con về với bà cơ, không quen mẹ đâu” khiến vợ chồng cô sững người.

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng thế so sánh chuyện nhà này với nhà khác. Nhưng mong rằng, các bà mẹ trẻ hãy dành nhiều thời gian hơn cho đứa con bé bỏng của mình. Bớt đi thời gian lướt facebook, vào zalo hay những trang mua sắm online, những cuộc vui tụ tập cùng bạn bè, những lý do mưu sinh thường nhật bạn sẽ cùng chơi, cùng dạy con những kỹ năng mới, cùng con vẽ lên những kỷ niệm sống động và ý nghĩa mà chẳng ai có thể thay thế mẹ làm được.


Bài viết liên quan