Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Mẹ thông thái chuẩn bị cho ngày đầu tiên con đi học

Ngày đầu tiên đi học của con, dù mẹ có chuẩn bị tốt thế nào nhưng quan trọng nhất vẫn là ở cảm nhận của trẻ.

Chị Mai Linh (sinh năm 1992), hiện đang sinh sống tại thành phố Điện Biên phủ, tỉnh Điện Biên. Chị hiện là mẹ của một cô bé gần hai tuổi xinh xắn, đáng yêu với tên thường gọi ở nhà là Bơ.

Cũng như nhiều mẹ Việt khác, khi con đã đến tuổi, dù muốn hay không chị Linh cũng phải cho con đi học. Mặc dù con mới được hai mươi tháng tuổi, nhưng chị Linh muốn con mình tự lập hơn, sớm học được cách hòa đồng và nề nếp nên chị đã cho con đi học tại một lớp mẫu giáo tư. Chị chia sẻ, “để chuẩn bị cho ngày đầu tiên con đến lớp, chị đã suy nghĩ rất lâu và tìm hiểu rất nhiều thông tin cốt sao để cho con thực hiện được bước ngoặt trong cuộc đời một cách thuận lợi nhất!”

1. Rèn nề nếp cho con từ khi còn ở nhà

Để cho con đến lớp được tốt nhất, đầu tiên đó là việc rèn luyện nề nếp cho con ngay từ khi còn ở nhà, đó là việc rất quan trọng. Các mẹ nên rèn con ăn ngủ đúng giờ, đi vệ sinh đúng nơi, để khi đến lớp con dễ dàng vào quy củ hơn mà không phải bỡ ngỡ, hoặc vất vả học từ đầu.

Chị Linh giải thích, chị chỉ suy nghĩ đơn giản, trẻ con cũng giống người lớn, để tạo một thói quen tốt rất khó. Nếu khi còn ở nhà với bà, với mẹ, bé được cưng nựng, ăn ngủ tự do khi đến lớp để vào được “khuôn khổ” sẽ rất khó khăn với trẻ. Điều này sẽ cản trở việc hòa nhập của trẻ với trường lớp. Bé ở nhà đã được rèn nề nếp sẽ dễ đàng linh hoạt theo giờ giấc của cô.

2. Chuẩn bị tâm lý cho con

Chị Linh chia sẻ, trước khi cho con đi học thường thì cha mẹ chỉ chuẩn bị tâm lý cho mình, tâm lý “ứng phó” với việc con lạ trường, lạ lớp, lạ cô, lạ bạn mà không nghĩ rằng con cũng phải được “chuẩn bị tâm lý”. Cha mẹ hay để con vào thế “bị động” nên con mới hay khóc, hay lạ và hay ốm những ngày đầu đi học. Hãy nói chuyện với con về trường, lớp, về bạn bè, về sự vui vẻ khi con đến trường.

Để làm chuẩn bị tốt tâm lý cho con, chị Linh đã mất một khoảng thời gian để cùng con xem các trương trình về trường, lớp mẫu giáo. Đồng thời, chị đã cùng chồng đưa con đến lớp học chơi nhiều lần để con làm quen với lớp, làm quen với bạn, với không khí lớp học. Đặc biệt, để con có cảm giác “an toàn”. Chị chia sẻ, nhờ làm vậy mà “ngày đầu tiên đi học” của con diễn ra được thuận lợi, con chỉ khóc chút xíu mà không khóc quá lâu. Chị đã sẵn sàng tâm lý “Nếu con khóc quá một tiếng đồng hồ, chị sẽ đón con về mà không ép con khi con chưa sẵn sàng, nhưng may mắn, bé Bơ đã hòa nhập khá nhanh”.

3. Không được “thỏa hiệp” với con

Khi được hỏi bé Bơ có bao giờ lười đến lớp hay không, thì chị Linh mỉm cười chia sẻ “Có chứ ạ, có hôm Bơ ngủ dậy hô to đi học nào, nhưng có hôm thì gào khóc, rồi trốn trong chăn không chịu đi học”. Để xử lý tình huống “khó chiều” như vậy, chị Linh chia sẻ: Nhất định không được chiều theo ý của con, kiên quyết nói với con rằng “Bố mẹ lớn, bố mẹ phải đi làm kiếm tiền mua thịt, sữa, bánh cho Bơ, còn Bơ bé, Bơ phải đến lớp, đó là nhiệm vụ của Bơ. Trừ khi Bơ ốm mới nghỉ ở nhà!” và kiên quyết đưa con đến lớp. Hành động này lặp lại nhiều lần bé sẽ ý thức được nhiệm vụ của bé.

Khi được hỏi, có sợ con khóc khi không được theo ý không, thì chị Linh chia sẻ, mẹ phải “cứng rắn” trước, khi con đến lớp rồi sẽ khóc chút khi mẹ về, nhưng rồi sẽ nhanh chóng hòa nhập cùng bạn bè và “quên” luôn việc mè nheo với mẹ.

4. Không ngừng động viên con

Hãy động viên con sau mỗi ngày đến lớp, vì như vậy con sẽ thích đến lớp hơn. Khi đón con về, chị Linh không quên khen con đến lớp ngoan và nói lời yêu thương với con, dần dần bé Bơ sẽ ý thức được rằng việc đi trẻ là một việc quan trọng mà Bơ thực hiện được trong ngày.

Chị cũng không quên dành ra ngày cuối tuần để đưa con đi chơi, coi như là một “phần thưởng” dành cho con khi con đã ngoan ngoãn, chăm chỉ tới lớp. Nhưng chị nhấn mạnh, phải nói cho con biết điều ấy để con lấy động lực cố gắng những ngày tiếp theo.

5. Khẩu phần ăn của con cũng thay đổi cho phù hợp

Con đi lớp không thể ăn uống như khi còn ở nhà với bà với mẹ được. Ngay từ ngày đầu con tới lớp, chị Linh đã thay đổi khẩu phần ăn uống cho con sao cho phù hợp. Bữa sáng, chị cho con ăn nhiều hơn một chút, bữa trưa con ăn ở lớp. Buổi chiều, khi đón con về đến nhà khoảng 5 rưỡi chiều chị cho con uống sữa và ăn sữa chua luôn, sau đó cho con tắm gội và dắt con đi chơi loanh quanh. Khoảng 6 rưỡi tối Bơ ăn tối với thực đơn giàu dinh dưỡng và tăng cường rau xanh.

Và đến 8 rưỡi tối chị Linh thường cho bé uống thêm sữa, cho con đánh răng rồi đi ngủ.

6. Hãy hợp tác với cô

Khi được hỏi chị có lo lắng cho con không vì trong thời gian qua rất nhiều trẻ đến lớp bị bạo hành, chị Linh chia sẻ, chị đã rất lo lắng điều ấy xảy ra. Nhưng quan trọng là phải đặt niềm tin vào cô giáo và các mẹ cũng phải “hợp tác” với cô chứ đừng “phó mặc” con trẻ cho cô.

Để hợp tác với cô, ngoài đồ dùng cá nhân chuẩn bị cho con trước khi đến lớp, chị Linh còn chuẩn bị cả những loại thuốc thông dụng và đồ sơ cứu cho con, phòng trường hợp con ốm, nghẹn đột xuất là cô có thể sơ cứu được luôn. Đồng thời thứ 7, chủ nhật khi con ở nhà mẹ vẫn phải cố gắng giữ nguyên theo nếp ăn ngủ của cô để con dễ bắt nhịp khi đi học vào đầu tuần và cô giáo cũng không mất công “rèn lại từ đầu”.

Nhờ việc thực hiện nghiêm ngặt những điều như trên mà mới hơn một tháng đi học, bé Bơ nhà chị Linh đã thay đổi nhiều. Tự lập hơn, tự giác hơn và đặc biệt con ngoan, ăn khỏe, vui vẻ hơn rất nhiều. Chị Linh cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thành công trong việc cùng con vượt qua “bước ngoặt” đầu tiên của cuộc đời.


Bài viết liên quan