Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Cho con ăn dặm lần đầu, chuyện khó đấy!

Khi con còn nhỏ tí xíu, mẹ chỉ mong đến lúc con bước sang giai đoạn ăn dặm để được trổ tài nấu nướng đa dạng cho con. Tuy nhiên, khi bé ăn dặm lần đầu không ít mẹ đã lúng túng và băn khoăn với nhiều thắc mắc.

Thời điểm cho con ăn dặm

Thời điểm thích hợp để bé bổ sung bữa ăn dặm là 4 – 6 tháng tuổi, và tốt nhất là từ 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về nhi khoa và dinh dưỡng khuyên rằng, thay vì xác định thời điểm chuẩn khi nào cho con ăn dặm thì các bà mẹ cần theo dõi và quan sát về nhu cầu muốn ăn dặm của con.

Không ít trẻ cảm thấy khó khăn vì chưa sẵn sàng cho giai đoạn ăn dặm hoặc ngược lại rất hào hứng muốn được khám phá nhiều dạng thức ăn mới.

Quyết định thời điểm ăn dặm có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe của trẻ về sau.

Dưới đây là những biểu hiện cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm, các mẹ có thể tham khảo:

  • Trẻ nhìn người lớn ăn uống một cách chăm chú và thèm thuồng.
  • Trẻ mau đói và quấy khóc nhưng nếu được đút cho ăn gì đó thì nín rất nhanh.
  • Thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm vì đói và đòi ăn
  • Phần đầu và cổ của bé cứng cáp, xoay chuyển tốt.

Nguy hiểm khi cho bé ăn dặm sớm

Đừng thấy rằng, con nhà hàng xóm 4 tháng tuổi đã ăn dặm ngon lành vậy mà con nhà mình bằng tuổi vẫn chưa chịu ăn ngoan. Mỗi đứa trẻ có nhu cầu ăn uống khác nhau, không bé nào giống bé nào.

Một số trường hợp nếu cho trẻ ăn dặm sớm còn gây nguy hiểm cho trẻ như:

  • Trẻ sinh non: Sức đề kháng của bé còn non yếu, việc ăn dặm sớm khiến bé có nguy cơ đối mặt với hiện tượng dị ứng thực phẩm, rối loạn đường tiêu hóa.
  • Trẻ dưới 4 tháng tuổi: Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa thực sự ổn định, hàm lượng men amylasa giúp trẻ tiêu hóa tinh bột còn rất thấp. Nếu mẹ cho bé ăn dặm sớm sẽ khiến trẻ khó hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm, ngay từ nhỏ đã có tâm lý chán ăn, sợ ăn do ăn uống không ngon miệng.
  • Một số bà mẹ thấy con ăn dặm ngoan, tăng cân đều đã quyết định cai sữa sớm cho con. Đây là hành động sai lầm vì các mẹ cần nhớ rằng đối với trẻ sơ sinh ăn dăm chỉ là bữa bổ sung. Trẻ càng được bú mẹ lâu dài, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú đến 18 tháng tuổi sẽ thông minh, khỏe mạnh và thành công hơn so với những trẻ bỏ sữa mẹ sớm hoặc dùng sữa công thức.

Dù ăn dặm nhưng mẹ đừng quên vẫn cho con bú đúng và đủ các cữ sữa trong ngày mẹ nhé!

Quy tắc cần nhớ khi bé ăn dặm

  • Trẻ mới tập ăn dặm cần ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc.
  • Để hạn chế nguy cơ dị ứng và ngộ độc thực phẩm cho con, mẹ cần lựa chọn các loại thực phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng để chế biến thực đơn ăn dặm cho trẻ.
  • Trẻ ăn đến đâu nấu đến đó, tuyệt đối không nấu nhiều, nấu sẵn tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh quá lâu.
  • Đa dạng thực đơn và tìm hiểu nhu cầu, sở thích của trẻ về những món ăn nhất định
  • Tôn trọng nhu cầu và thói quen ăn uống của trẻ thay vì “nhồi nhét” bắt bé “hoàn thành chỉ tiêu”.
  • Khi mới bắt đầu ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh và rèn cho con có thói quen ăn uống lành mạnh như ăn đúng giờ, đúng bữa, ngồi một chỗ ăn, ăn tập trung.
  • Sử dụng các loại thìa, bát, ghế ngồi ăn có hình thù ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ giúp kích thích trẻ ngồi vào bàn ăn và ăn ngoan hơn.
  • Học hỏi kinh nghiệm của các bà mẹ khác hoặc tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm khác nhau. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm và nhu cầu của trẻ trong gia đình để áp dụng và cải tiến thay vì “rập khuôn” máy móc. Không phải bà mẹ nào cũng thành công ngay từ lần đầu trong việc chế biến thực đơn ăn dặm cho con yêu. Nếu cảm thấy khó khăn, bạn hoàn toàn có thể nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa để được tư vấn và giải đáp.

Giai đoạn ăn dặm sẽ đánh dấu một bước khởi đầu trưởng thành mới của trẻ. Ngay từ khi mới cho bé tập ăn, các mẹ cần tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh để tạo tiền đề cho một em bé ăn ngoan, ăn giỏi, khỏe mạnh về sau các mẹ nhé!


Bài viết liên quan