Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh

Tiếng khóc của bé có nhiều ý nghĩa khác nhau, các bố mẹ cùng đọc để tìm lời giải nhé.

Khóc chính là cách bé giao tiếp với cha mẹ. Làm cha mẹ thì không ai mong muốn con khóc. Thế nhưng bé không khóc thì cha mẹ sẽ không bao giờ biết bé cần gì, cần được cho ăn hay cần được mẹ vỗ về vì sợ. Khi bé chưa có ngôn ngữ, chưa biết nói, thì rõ ràng tiếng khóc là hình thức thông báo dễ dàng và nhanh nhất của trẻ đến với bố mẹ. Để hiểu tiếng khóc của con có ý nghĩa gì, bố mẹ có thể theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu lý do tại sao con khóc.

Nguyên nhân phổ biến nhất khi trẻ khóc là trẻ đói, ngoài ra còn do khát, quá nóng hay quá lạnh, bị đau bụng hoặc cảm thấy khó chịu, bức bối, sợ hãi hoặc mệt. Tiếng động lớn đột ngột cũng làm bé khóc. Bị kích thích quá hay không được cha mẹ âu yếm cũng là nguyên nhân. Trong những trường hợp này, trẻ sẽ ngừng khóc khi được cha mẹ hoặc người chăm sóc cưng nựng, vỗ về trấn an.

Đói

Đói là nguyên nhân phổ biến và là nguyên nhân cần được xem xét đầu tiên. Vào những ngày đầu mới sinh, dù bố mẹ đã cho bé bú một giờ trước thì cũng vẫn có thể có trường hợp bé đói và khóc. Chỉ cần mẹ ngay lập tức cho bé bú, bé sẽ ngừng khóc.

Khát

Bên cạnh đói, khát cũng có thể là nguyên nhân cần được xem xét. Trẻ bú bình sẽ dễ khát hơn so với trẻ bú mẹ, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng.

Hiểu được vì sao con khóc, cha mẹ sẽ nhanh chóng dỗ dành con nín khóc hiệu quả.

Nóng

Bố mẹ có thể quan sát thấy mặt bé đỏ, gáy bé vã mồ hôi. Bố mẹ cần lau mồ hôi và hạ nhiệt cho trẻ bằng cách cởi bớt quần áo hoặc giảm nhiệt độ trong phòng.

Lạnh

Lạnh cũng có thể khiến trẻ khóc. Bố mẹ kiểm tra bằng cách áp tay lên gáy, hay lòng bàn tay bé, nếu sờ thấy lạnh, sắc khí nhợt nhạt thậm chí tái xanh thì có thể dấu hiệu của cảm lạnh. Nếu quả thực vậy, bố mẹ cần nhanh chóng bế ẵm bé trên tay, sưởi ấm cho bé.

Khó chịu

Trẻ nằm trong tư thế không thuận lợi, đòi lật người nhưng không thể, khó chịu cũng có thể do quần áo quá chật (đặc biệt là bao tay và tất liền quần).

Đau

Đau bụng là nguyên nhân chính khiến bé dưới sáu tuần tuổi khóc, ngoài ra còn thêm khả năng bé bị mẫn cảm. Nếu bố mẹ không rõ nguyên nhân, hãy liên hệ với bác sĩ.

Đại tiện

Một số bé khóc khi đi “ị” dù bé không hề bị táo bón. Bố mẹ chỉ cần nhanh chóng vệ sinh và thay tã sạch cho con là bé nín thôi.

Sốc hay sợ

Trẻ sơ sinh vốn mẫn cảm cao cho nên một tiếng động lớn đột ngột cũng khiến bé giật mình khóc.

Sau một thời gian chăm sóc bé mới sinh, cha mẹ sẽ hiểu được “thông điệp” từ tiếng khóc của con.

Không được âu yếm

Trẻ không được âu yếm là nguyên nhân phổ biến, chỉ cần bế lên, âu yếm một chút là bé ngưng khóc.

Bực bội

Bất kỳ lúc nào không được quan tâm, âu yếm bé cũng có thể khóc nhất là khi bé được 4 tuần tuổi trở lên.

Mệt mỏi

Khi mệt hay bị kích thích quá mức, bé khóc đòi ngủ, chứ không muốn chơi.

Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể đoán được lý do khiến trẻ khóc, tuy nhiên có một số kiểu khóc đặc trưng mà bố mẹ có thể nhanh chóng hiểu được bé cần gì. Khóc do đói thì cường độ cũng khác, tiếng khóc ư ử có nghĩa là bé mệt, khóc thét dai dẳng nghĩa là bé đang chịu đau, có thể là đau bụng nhất là khi bé đập tay, đập chân.

Bố mẹ có thể cân nhắc các lý do trên để tìm hiểu tại sao bé khóc, từ đó tìm được cách giải quyết phù hợp. Ngoài việc đáp ứng những đòi hỏi của trẻ, bố mẹ nên giao tiếp cùng bé. Nhiều bé thích được cha mẹ ôm ấp. Dành thời gian rảnh rỗi nói chuyện, cười với bé, ôm bé vào lòng để bé có thể nghe thấy tim mẹ đập – không phải vô tình mà nhiều cha mẹ bế bé trên tay trái dù họ thuận tay nào đi chăng nữa. Lắc lư, đung đưa bé theo nhịp đều có hiệu quả lớn. Nếu bố mẹ không muốn cả hai tay bị bó bó buộc thì có thể dùng túi địu con.

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bố mẹ nhận biết lý do bé khóc. Chúc bé và bố mẹ sức khỏe và nhiều niềm vui.


Bài viết liên quan