Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Cùng con nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm

Chắc hẳn bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình lớn lên là một người tốt bụng, biết quan tâm và sẻ chia với người khác. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng trong bé yêu lòng trắc ẩn và sự đồng cảm lại không hề đơn giản. Bởi lẽ, nó không có cách thức rõ ràng hay giáo trình viết sẵn như khi dạy trẻ học chữ, làm toán. Vậy làm thế nào để giúp trẻ hình thành những phẩm chất đó?

Cha mẹ phải làm gương cho con

Được biết đến rộng rãi trên thế giới với vai trò là một nhà hoạt động xã hội và một nhà văn, Mary Gordon có sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục trẻ em. Bà là người sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận “Roots of Empathy” (Tạm dịch: Cội nguồn của sự đồng cảm) – nơi cung cấp rất nhiều khóa học phát triển bản thân cho trẻ em ở Canada, New Zealand, Mỹ, Anh, Đức và Thụy Sĩ. Mary tin rằng: “Những ví dụ thực tế là mấu chốt để nuôi dưỡng lòng thương người ở trẻ. Lòng thương và sự đồng cảm không thể nào “được dạy” mà phải để trẻ “tự học” từ những gì tai nghe mắt thấy”.

Nếu cha mẹ luôn là người cởi mở, quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh, bé con của bạn cũng dần dần bắt chước bố mẹ

Điều này đồng nghĩa với việc người lớn, đặc biệt là các bậc cha mẹ phải luôn là tấm gương cho trẻ. Các bé sẽ ghi nhớ cách bạn nói chuyện và đối xử với người thân, bạn bè thậm chí cả người lạ và chịu ảnh hưởng từ đó.

Tâm sự cùng con

Một điều quan trọng nữa là phụ huynh đừng nên ngại ngần, mà hãy tích cực chia sẻ cảm xúc của mình với con cái. Trên thực tế, các cha mẹ thường chỉ chọn kể chuyện vui cho trẻ và giấu đi những cảm xúc tiêu cực như chán nản, buồn bã. Từ bây giờ, hãy chia sẻ với con cả những điều đó (ở một mức độ nhất định). Ví dụ bạn có thể nói về chuyện mình mệt mỏi ra sao vì có quá nhiều việc phải làm, hay bạn cảm thấy tổn thương vì bị người khác hiểu lầm. Hãy cho bé cơ hội lắng nghe tâm sự của cha mẹ và thậm chí là thử an ủi nữa, đó là một cách tốt để gia tăng khả năng đồng cảm ở trẻ nhỏ.

Dạy con kiểm soát sự giận dữ

Dạy con kiểm soát cơn giận cũng là việc bạn rất cần chú ý. Lý do là khi nổi nóng với người khác, những cảm xúc mạnh mẽ mà cơn giận mang đến có thể khiến chúng ta bị “quá tải”. Lúc ấy tất cả những gì ta có thể nghĩ đến là lỗi sai của đối phương và sẽ không còn chỗ cho sự thấu hiểu cũng như cảm thông nữa. Do đó, học cách giữ bình tĩnh trong các cuộc tranh luận là điều vô cùng cần thiết trong quá trình hình thành nhân cách ở trẻ.

Kiểm soát tốt cơn giận là yếu tố cần thiết để người với người thấu hiểu nhau hơn

Một vài lời khuyên để áp dụng trong cuộc sống

Với kinh nghiệm của mình, Mary Gordon chia sẻ một số cách để cha mẹ giúp con nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm ngay từ khi còn nhỏ:

– Khi bạn cùng bé đọc sách hay xem TV, hãy chọn ra một nhân vật trong truyện/phim và hỏi cảm nhận của bé về nhân vật đó. Đặt giả thiết: “Nếu gặp tình huống này, con sẽ nghĩ gì và làm gì?”

– Nếu bạn có 2 con trở lên, hãy khuyến khích đứa trẻ lớn hơn chơi đùa và chăm sóc em mình. Một cách khác là để trẻ nuôi thú cưng như chó, mèo… Học cách chăm sóc và quan tâm ai đó không chỉ giúp trẻ biết thấu hiểu hơn mà còn làm tăng tính nhẫn nại.

Nuôi thú cưng cũng có thể giúp trẻ hình thành nhiều phẩm chất tốt

– Hãy cảm ơn mỗi khi bé có lời nói hay hành động biểu thị quan tâm đến bạn. Hãy nói với bé rằng bạn thấy việc làm đó có ý nghĩa ra sao.

– Tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội như đi thiện nguyện, đến thăm các cụ già neo đơn, quyên góp đồ trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn.

– Sưu tầm và kể với bé, hoặc cho bé xem những hình ảnh về tấm gương người tốt việc tốt. Tấm gương càng gần gũi càng dễ tạo ảnh hưởng lớn đến trẻ.

Trẻ em giống như tờ giấy trắng, ngay từ nhỏ cha mẹ cần gieo cho con những hành vi, suy nghĩ tốt đẹp thì lớn lên bé sẽ tự giác sẽ trở thành người sống có trách nhiệm, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh.


Bài viết liên quan