Nhiều chị em mang thai than thở rằng, bầu bí đã mệt mỏi tưởng chừng đến lúc đi ngủ cứ thế đặt lưng xuống là có giấc ngủ ngon nhưng sự thật thì lại trái ngược, mẹ bầu bị mất ngủ.
Vì sao mẹ bầu mất ngủ?
Có hàng loạt lý do khác nhau khiến mẹ bầu trằn trọc, mất ngủ trong từng giai đoạn của thai kỳ.
- Sự thay đổi của tuyến nội tiết khiến các hoóc-môn trong cơ thể của bà bầu tăng giảm đột ngột. Hiện tượng này tác động đến nhiều hệ cơ quan như gây rối loạn tiêu hóa với triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng làm chị em khó có giấc ngủ ngon.
- Khi thai nhi phát triển ngày càng lớn, khiến thai phụ khó xoay trở, tư thế ngủ không thoải mái. Đồng thời tình trạng chuột rút, vọp bẻ có thể hành hạ bà bầu bất kể lúc nào khiến giấc ngủ không sâu giấc, thường trằn trọc.
- Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, đa số mẹ bầu thường đi tiểu són, tiểu đêm liên tục do bàng quang bị chèn ép nên phải thức giấc hàng đêm, giấc ngủ không trọn vẹn.
- Tâm lý lo lắng thường xuất hiện ở bà mẹ mang thai lần đầu và những “giấc mơ khó hiểu” trong thai kỳ khiến không ít thai phụ bồn chồn, căng thẳng khiến giấc ngủ chập chờn.
Theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi, mẹ bầu lại có có những ngày mất ngủ, ngủ trằn trọc khiến cơ thể rất mệt mỏi.
Tác hại khi mẹ bầu mất ngủ
Nếu mẹ bầu mất ngủ do những yếu tố khách quan như môi trường sống không yên tĩnh, mẹ đã ăn quá no… thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi do bé đã được bảo vệ và bao bọc bởi màng ối. Bên cạnh đó, khi mẹ ngủ thì bé thức và khi mẹ thức bé lại ngủ nên bé vẫn được nghỉ ngơi.
Trong trường hợp mẹ bầu mất ngủ kéo dài gây sụt cân trầm trọng, cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng thì chắc chắn thai nhi cũng bị ảnh hưởng theo.
Một số trường hợp trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân, thiếu máu; bà bầu có nguy cơ kéo dài thời gian chuyển dạ hoặc đối mặt với việc sinh mổ.
Mẹo nhỏ “đánh bay” chứng mất ngủ cho mẹ bầu
Trước giờ đi ngủ, các ông chồng có thể mát-xa toàn thân giúp vợ bầu dễ chịu và thoải mái hơn để chìm vào giấc ngủ
- Tư thế ngủ tốt nhất cho phụ nữ mang thai là nằm nghiêng bên trái. Tư thế này giúp quá trình cung cấp máu từ mẹ đến thai nhi thuận lợi hơn. Chị em cũng có thể kê gối cao đầu hoặc gác chân cao trong lúc ngủ để tránh hiện tượng chuột rút. Nếu có điều kiện mẹ bầu nên “đầu tư” những chiếc gối ngủ chuyên dụng dành cho thai phụ.
- Nên thư giãn mát-xa cơ thể, tắm bằng nước ấm, uống sữa nóng trước giờ đi ngủ.
- Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng và thức khuya. Hạn chế việc sử dụng điện thoại, xem tivi trước giờ đi ngủ.
- Tránh sử dụng các chất kích thích chứa nhiều caffeine như cà phê, trà đặc hoặc ăn uống không hợp lý làm rối loạn giấc ngủ.
- Giữ trạng thái cân bằng tâm lý, tránh căng thẳng trong sinh hoạt. Trao đổi và giải tỏa bức xúc ngay khi xuất hiện không để dồn nén, để lâu ngày gây stress cho mẹ bầu.
- Khi mất ngủ kéo dài, có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.