Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Người chồng cần chuẩn bị gì trước khi hai vợ chồng thụ thai?

Chuẩn bị có con là việc quan trọng mà hai vợ chồng cần phải “chung lưng” cố gắng. Tuy nhiên, bài viết này dành riêng cho các anh xã, để chuẩn bị trước khi hai vợ chồng thụ thai.

Có rất nhiên thông tin hướng dẫn các chị em phải chuẩn bị những gì trước khi có thai và sau khi có thai. Dường như cánh mày râu lại bị hạn chế thông tin về điều này, nhiều anh không khỏi hoang mang: “Tôi sắp làm bố thì cần chuẩn bị gì đây?”. Thực ra việc các anh cần chuẩn bị để trở thành một ông bố đáng tự hào của con sẽ khá nhiều đó nhé.

Tìm hiểu về kiến thức thụ thai, sinh sản

Việc tìm hiểu kiến thức về sinh sản, tự giải đáp những câu hỏi như “Làm thế nào để tạo ra em bé?”, “Quá trình phát triển của thai nhi?” “Mang thai trong thời gian bao lâu?”… ắt hẳn rất cần thiết với các ông bố tương lai. Trong quá trình tìm hiểu đó, các ông bố không những cảm thấy quá trình có con của hai vợ chồng là một hành trình kỳ diệu mà còn giúp các ông bố cảm thấy tự tin hơn.

Hiện tại, chỉ cần tra cứu trên mạng là các ông bố đã có thông tin cơ bản về những câu hỏi trên. Khi bố và mẹ cùng nhau “tạo ra em bé”, tinh trùng của bố sẽ gặp trứng của mẹ tạo thành hợp tử, rồi hợp tử sẽ được mẹ nuôi dưỡng trong tử cung trong thời gian khoảng 9 tháng 10 ngày, trước khi các con được cất tiếng khóc chào đời. Rồi các ông bố cũng có thể tìm hiểu về dấu hiệu mang thai, quá trình ốm nghén của các mẹ để chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị cách ứng phó. Nếu trong thời kỳ mẹ ốm nghén, thèm ăn đồ chua thì các ông bố cũng có thể tự tin và thoải mái hơn vì biết đó là việc hết sức bình thường của người phụ nữ mang thai.

Thăm khám và chuẩn bị sức khỏe

Các anh chồng và cả vợ cần phải thăm khám sức khỏe tổng quát, bởi vì sức khỏe của bố mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Khi đi thăm khám sức khỏe, bố sẽ biết được mình có vấn đề gì về sức khỏe hay không, có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay sức khỏe của thai nhi hay không (ví dụ như tình trạng tinh hoàn ẩn, u nang tinh hoàn, thậm chí bệnh mãn tính như trầm cảm, viêm đường tiết niệu, bênh lây qua đường tình dục). Khi biết được tình trạng sức khỏe, các bố có thể nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ để chuẩn bị thật chu đáo trước khi hai vợ chồng có con.

Đặc biệt khi bố có đang sử dụng loại thuốc nào đó, như thực phẩm chức năng, thuốc tăng lực…. có thể hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ ảnh hưởng nhé.

Các bố cũng có thể kiểm tra và tiến hành tiêm vắc xin bổ sung nếu được các bác sĩ chỉ định, để đảm bảo sẽ khỏe mạnh trước và sau khi vợ mang thai. Một số loại vắc xin quan trọng như:

  • Cúm
  • Viêm gan B/ viêm gan A
  • Viêm màng não
  • Vắc xin uống ván, bạc cầu, ho gà
  • HPV (áp dụng cho các ông bố dưới 26 tuổi)
  • Sởi, quai bị, rubella
  • Bệnh phế cầu khuẩn
  • Bệnh zona

Theo dõi cân nặng

Cân nặng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của các ông bố, nên trước khi thụ thai, các ông bố cần phải kiểm tra tình trạng cân nặng của mình thường xuyên.

Nam giới có chỉ số BMI (chỉ số khổi cơ thể) cao thì sẽ có khả năng bị hiếm muộn cao hơn người có cân nặng chung bình. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cứ nặng thêm 9kg thì nguy cơ vô sinh lại tăng thêm 10%. Trong phạm vi BMI từ 18.5 đến dưới 25 thì là bình thường, cứ BMI từ 25 trở lên là trường hợp bắt đầu thừa cân. Công thức tính BMI (kg/m2) = cân nặng (kg)/ {chiều cao (m) * chiều cao (m)}

 

Chế độ ăn uống

Các ông bố cũng cần quan tâm đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng của mình. Việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất và khoáng tố cho bố sẽ giúp cho các “tinh binh” của bố có chất lượng tốt nhất để thai nhi có sức khỏe tốt hơn. Ngay từ khi có ý định sinh con, các ông bố cần phải thay đổi chế độ ăn hàng ngày để đảm bảo chất lượng tinh trùng. Theo đó, bạn cần hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá. Thức ăn cần tăng cường như ngũ cốc, rau xanh, hải sản, trứng và trái cây tươi.

Chế độ làm việc và nghỉ ngơi

Đối với các ông bố, môi trường làm việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng sức khỏe. Đối với môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất có hại như sơn, thuốc trừ sâu… cần có dụng cụ bảo hộ và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Những công việc chịu nhiều áp lực, căng thẳng và mệt mỏi thì cần có kế hoạch rõ ràng nhằm giải tỏa các vấn đề đó.

Các ông bố cần có kế hoạch, nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện sức khỏe và tinh thần để sẵn sàng cho công cuộc chuẩn bị có con đầy thiêng liêng và ý nghĩa. Hẳn rằng các con sẽ cảm thấy thật may mắn khi được sự quan tâm từ bố ngay từ khi chuẩn bị được hình thành. Các ông bố đọc bài viết này đã sẵn sàng tinh thần có con từ bây giờ chưa? Chúc các ông bố nói riêng và các gia đình nói chung sớm được chào đón những thiên thần khỏe mạnh, thông minh và đáng yêu nhé!


Bài viết liên quan