Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Trước khi mang thai, đừng quên những bước chuẩn bị cần thiết này

Quá trình chuẩn bị trước khi mang thai giúp các mẹ có một thai kỳ an toàn, lành mạnh hơn rất nhiều. Dưới đây là các bước chuẩn bị giúp chị em mang thai và sinh ra một em bé thông minh, khỏe mạnh.

Khám sức khỏe tổng quát

Nếu có điều kiện kinh tế, chị em nên dành một ngày nghỉ để kiểm tra toàn bộ sức khỏe cơ thể. Bạn sẽ khám nội khoa, ngoại khoa, thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Việc khám sức khỏe tổng quát thường mất thời gian cũng như chi phí thực hiện khá cao, tuy nhiên chị em có thể yên tâm để biết tình trạng sức khỏe của mình đang ở mức độ nào, nếu mang thai thì có nguy cơ nào xảy ra không.

Nếu bạn không có nhiều thời gian và tiền bạc để khám sức khỏe tổng quát thì vẫn cần kiểm tra tình trạng cơ thể bằng một số thăm khám cơ bản như: Xét nghiệm máu, thử nước tiểu, siêu âm phụ khoa để đảm bảo sức khỏe cho quá trình mang thai của chị em.

+ Xét nghiệm máu: là điều cần làm nhằm giúp phụ nữ định mang thai biết mình có bị thiếu máu hay những bất thường tế bào máu, lượng đường trong máu, chức năng gan thận và các bệnh lây truyền như HIV, viêm gan.

Tiêm phòng trước khi mang thai là việc làm cần thiết để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho thai phụ.

Tiêm phòng trước khi mang thai là việc làm cần thiết để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho thai phụ.

+ Xét nghiệm nước tiểu: cũng là việc làm cần thiết để tìm ra các yếu tố bất thường về bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu và cả những bệnh lý khác như huyết áp, bệnh gan, thận.

+ Siêu âm bụng: là việc bắt buộc phải làm vì người mẹ sẽ được phát hiện kịp thời những bất thường liên quan đến các cơ quan trong ổ bụng, đặc biệt là tử cung và buồng trứng.

+ Tiêm phòng trước khi mang thai: thông qua việc khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm máu bác sĩ sẽ cho chị em lời khuyên về việc cần tiêm phòng các loại vắc-xin nào trước khi có ý định mang thai. Các vắc-xin này thường là viêm gan B, sởi-quai bị- rubella, cúm, thủy đậu,…

+ Tư vấn việc sử dụng thực phẩm chức năng: hiện nay nhiều chị em phụ nữ đang có thói quen tùy ý sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng mà không theo đơn của bác sĩ. Việc khám sức khỏe trước khi mang bầu, cũng giúp bạn có những lời khuyên chính xác về việc có thực sự cần thiết bổ sung các loại thực phẩm chức năng, vitamin hay thuốc điều trị mà bạn đang uống không.

Ngừng sử dụng chất kích thích

Ngoài việc khám sức khỏe, trước khi mang thai từ 3-6 tháng, chị em cũng nên chủ động từ bỏ rượu bia, thuốc lá, ma túy, cafeine vì sử dụng các chất kích thích này có thể khiến bạn khó thụ thai và gia tăng nguy cơ sẩy thai.

Uống bia rượu và hút thuốc ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Người ta ước tính có đến 13% các bất thường về khả năng sinh sản là do sử dụng thuốc lá. Nó còn làm giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng.  Do vậy, muốn có con, cả người vợ và chồng đều phải bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng cho một mầm sống phát triển tốt.

Nếu trước đó bạn nghiện cà phê, ngày nào đi làm cũng cần một tách cà phê để tinh thần tỉnh táo thì hãy tập bỏ nó đi. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chất cafein có trong cà phê có thể gây sảy thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, chị em cũng cần để ý các loại thức uống khác không phải cà phê nhưng lại chứa cafein như soda, trà, nước tăng lực và thậm chí cả thuốc giảm đau.

Sử dụng thực phẩm an toàn, lành mạnh trong thực đơn hàng ngày giúp chị em có một nền tảng sức khỏe đảm bảo cho quá trình mang thai.

Chế độ ăn cân bằng, khoa học

Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn về chế độ ăn như sau:

  • Giảm lượng calo, chất ngọt nhân tạo và cafeine
  • Ăn thức ăn có hàm lượng protein cao
  • Ăn nhiều trái câu, rau, ngũ cốc, các sản phẩm sữa.
  • Không ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá thu to, cá mập, cá kiếm, cá trích.

Thừa cân trong mang thai là một vấn đề mà nhiều bà bầu nên quan tâm. Thừa cân có thể gây ra các biến chứng như thai chết lưu, huyết áp cao, dị tật bẩm sinh, sẩy thai. Vì vậy bạn cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để khắc phục tình trạng thừa cân chứ không phải là cố gắng giảm cân trong thai kỳ.

Ngoài ra, chị em nên bổ sung các loại vitamin và axít folic theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên sử dụng các loại thuốc, thậm chí là thảo dược có nguồn gốc tự nhiên nếu chưa có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Tập những thói quen sinh hoạt tốt

Tập thể dục trước khi bạn mang thai giúp bạn có một sức khỏe dẻo dai trong hành trình 9 tháng mang thai sắp tới. Người ta những nhận thấy những người phụ nữ có thói quen tập thể dục thường xuyên trước khi mang thai thường ít gặp các rắc rối trong thai kỳ như chuột rút, đau lưng, mệt mỏi cơ thể hơn.

Bên cạnh đó, chị em cần thay đổi những thói quen sinh hoạt không lành mạnh trước đó như thức khuya, dậy muộn, không ăn sáng, ăn đồ ăn nhanh…

Chuẩn bị tài chính

Việc chuẩn bị tài chính là việc cần thiết phải làm nếu bạn có ý định mang thai. Trong thời gian mang thai và sinh nở chị em sẽ phải tốn một khoản chi phí không nhỏ để khám thai, tẩm bổ dinh dưỡng, mua sắm đồ dùng cho em bé sắp sinh, viện phí, thuê người chăm sóc mẹ và bé sau sinh… Qúa trình chuẩn bị tài chính cần được thực hiện từ sớm, có sự thống nhất giữa hai vợ chồng và tùy theo khả năng thu nhập của mỗi gia đình mà bạn tiết kiệm một khoản nhất định cho em bé sau này.

Các cặp đôi cần nghiêm túc thực hiện kế hoạch tiết kiệm tiền khi có ý định sinh con

Cân bằng tâm lý

Giảm căng thẳng, mệt mỏi để có một thể chất và tinh thần tốt trước và trong khi mang thai là việc cần thiết. Nhiều chị em bị stress về việc phải có thai, áp lực công việc hoặc những tổn thương tình cảm trong cuộc sống đều khiến quá trình thụ thai khó khăn hơn.

Chị em cần học cách lắng nghe cơ thể mình, nếu cảm thấy tinh thần căng thẳng, mệt mỏi nên nghỉ ngơi thay vì cố gắng làm mọi việc. Bạn có thể đi du lịch, trang trí nhà cửa, tâm sự cùng những người thân tín, thậm chí là thay đổi nơi làm việc để giải quyết những căng thẳng của mình thay vì tránh nó.

Với sự chuẩn bị trước khi mang thai chu đáo, JO hy vọng các mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và vui vẻ!


Bài viết liên quan