Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Hãy cứ cho con nếm mùi thất vọng đi, đó là hương vị của cuộc sống mà!

Chúng ta không thể mãi bảo bọc con mình khỏi những biến động trong cuộc sống. Thực tế của cuộc sống có những lúc hạnh phúc, vui sướng nhưng cũng lắm khi đau đớn, thất vọng và bẽ bàng đấy thôi. Vì thế hãy giúp con có sự chuẩn bị tốt nhất.

Là cha mẹ, chúng ta luôn mong những điều tốt đẹp sẽ đến với con, bảo vệ con khỏi mọi điều xấu và luôn cố gắng hết sức để không phải nhìn thấy tia thất vọng trong mắt con. Nhưng trên thực tế thì việc này là KHÔNG NÊN. Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên, và bạn thì không mãi ở bên con được.

Bản thân mỗi đứa trẻ sẽ dần học cách khám phá thế giới bên ngoài. Và trong hành trình ấy, các bé cũng tự tìm hiểu bản thân, học cách tự tin để trưởng thành. Chúng sẽ không nhất thiết phải luôn thành công trong mọi việc, vì thế hãy cứ để con hiểu thế nào là cảm giác thất bại, là sự thất vọng để thích ứng với thế giới này.

Dưới đây là 5 tình huống con bạn sẽ đối mặt với sự thất vọng, và những gì bạn cần làm là luôn ở bên để ủng hộ con, chứ không phải can thiệp vào câu chuyện.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng

Khi cả nhà đi xem một bộ phim hoạt hình mới ra rạp nhưng lại hết mất vé; món đồ chơi con đã mong chờ bao tháng nay lại cháy hàng; đội bóng con thích bỗng bị thua trong một trận đấu quan trọng,…Đó là lúc trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Bạn có thể chạy vạy mua bằng được tấm vé hay món đồ chơi, nhưng lại không thể khiến đội bóng của con chiến thắng, vì vậy, đừng cố làm gì.

Hãy để con hiểu, trong cuộc sống có những điều con không muốn, nhưng chúng vẫn cứ xảy ra, và con cũng không thể can thiệp hay thay đổi được. Hãy động viên con để chúng xốc lại tinh thần, để con có thể quên đi những chuyện này và tiếp tục lạc quan.

Nỗi buồn và sự thất vọng đôi khi lại giúp trẻ có được những bài học giá trị

Người nào đó con yêu quý khiến con buồn

Việc bị một ai đó quan trọng, đặc biệt là người con vẫn thường yêu quý lại làm con tổn thương đúng là một trải nghiệm không dễ dàng gì. Nếu là bạn cũng bạn sẽ cảm thấy thất vọng rất nhiều đúng không. Với con trẻ thì tốt nhất, bạn hãy giúp con tìm một thú vui khác khiến bản thân quên đi nỗi buồn hoặc động viên con với những lời lẽ tích cực thay vì vạch trần tâm trạng của con.

Vì chưa cố gắng hết sức nên con thất bại

Khi con còn chưa chịu dùng hết sức chuyên tâm vào việc gì đó, và bị thất bại, cha mẹ không nên động viên theo kiểu “Lần sau con sẽ làm tốt thôi”. Hãy thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân vì sao con thất bại, nếu con muốn thành công con sẽ phải làm thế nào.

Khi con đã cố gắng mà vẫn không thành công

Cảm giác thất vọng khi mình đã dồn hết sức mà vẫn không đạt được thành công dễ khiến chúng ta cảm thấy bất lực. Khi nhìn thấy con như vậy, ngay bản thân những người làm cha mẹ cũng khó mà nén được bất bình và xót xa thay con mình. Nhưng đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó ảnh hưởng thêm tới con, hãy động viên chúng, lắng nghe những tâm sự, thậm chí là để con khóc thoải mái. Và rồi, hãy chỉ ra, rằng còn con vẫn còn nhiều những mặt tốt đẹp khác để con đỡ cảm thấy bớt tồi tệ hơn.

Khi con cảm thấy thất vọng về bản thân

Khi bạn thấy con mình ném bỏ đồ đạc, sách vở, hay ngừng tập luyện môn thể thao mà chúng yêu thích nhất, nhất định lúc đó con đang thấy bế tắc và không muốn tiếp tục nữa.

Con không cần thiết phải luôn thành công, con ạ!

Đừng la mắng hay ép buộc con, ngay cả bản thân bạn cũng khó mà tha thứ cho mình khi mắc một lỗi quan trọng cơ mà. Vì vậy, bạn hãy thử hướng dẫn con học cách để tha thứ cho bản thân, học hỏi từ những điều đã qua để vững vàng bước tiếp.

Không ai là hoàn hảo và trọn vẹn, người thành công cũng không phải làm một lần là suôn sẻ, đôi khi những thành công ấy được xây dựng từ rất nhiều sự thất bại, nỗi thất vọng từng có trong quá khứ. Vì vậy, ngày hôm nay, nếu con có đang buồn chán, thất vọng bạn hãy cứ để con có những trải nghiệm cảm xúc này thay vì cố gắng xóa bỏ nó thay con.


Bài viết liên quan