Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Mẹo hay giúp con trẻ nói lời cảm ơn chân thành

Làm thế nào để con biết nói lời cảm ơn chân thành với người đã tặng con một món quà, kể cả khi đó không phải là món quà mà con mong muốn?

Trong khoảng từ 18 tháng cho tới 3 tuổi, khi con dần nhận thức thế giới, bố mẹ nên bắt đầu rèn cho những thói quen lễ phép. Nhưng chúng ta không biết rằng, những lời gọi dạ bảo vâng mà bọn trẻ vẫn nói đó, đối với chúng chỉ là những câu không có ý nghĩa và các bé thực hiện như một thói quen bắt buộc mà thôi. Tức là, ở độ tuổi này, con khó mà phân biệt hay hiểu biết được về những thứ lễ nghi thường tình đó.

Từ 4-6 tuổi, trong trẻ bắt đầu giai đoạn phát triển sự độc lập và quyết đoán. Đó cũng là khi trẻ bắt đầu phản ứng lại những thứ không vừa ý chúng. Bố mẹ có thể coi như thế là vô lễ, nhưng như đã nói, sự khuyết thiếu về nhận thức lễ nghi ở giai đoạn trước dẫn tới trẻ không nhận thức được  đầy đủ về hành vi của mình, rằng chúng làm như thế là sai. Chúng chưa thể hiểu nổi những thứ lễ nghi xã hội và cách đối nhân xử thế phức tạp của người lớn.

Song như thế không có nghĩa là cha mẹ cứ để con tiếp tục những hành vi không hay đó cho tới một độ tuổi các bé có thể nhận thức. Chúng ta phải tạo cho con thói quen lễ phép và khiến chúng hiểu dần dần những cách ứng xử chuẩn mực để con phát triển nhân cách hoàn thiện.

Dạy trẻ hoàn thiện hành vi cư xử không phải chỉ là một bài giảng trong một tiết, nó là cả một quá trình dài trong suốt những năm tháng trẻ trưởng thành. Bố mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ thay nếu con không nói từ “cám ơn” một cách tử tế, nhưng thay vì phạt hay la mắng, bắt buộc chúng, chúng ta phải làm cho con hiểu rằng con đã sai ở đâu, như thế nào.

Dưới đây là một vài gợi ý giúp các bậc cha mẹ dạy cho trẻ nhận thức về sự cảm kích, biết ơn:

Làm mẫu cho con

Hãy cho con thấy bố mẹ thực hành nói lời cám ơn thật nhiều. Khi bạn nhờ con lấy thứ gì, đừng quên nói “cám ơn” với bé. Khi đi mua hàng, hãy để con thấy bạn cám ơn khi nhận đồ từ người thu ngân… Cha mẹ cũng cần khuyến khích mọi người trong nhà cùng tạo nên một không gian mẫu cho con trẻ. Khi đó, con sẽ tự hiểu ra rằng, khi nhận thứ gì từ người khác thì lẽ đương nhiên là phải cám ơn.

Cùng nói “cám ơn” với con

Giúp con học cách nhìn mọi vật chi tiết

Hãy tạo thói quen cho con nhìn mọi thứ với nhiều điểm chi tiết. Ví dụ hãy chỉ ra những điểm nào mình yêu thích trong bức tranh của con, hay khen con vì tự thay quần áo nhanh nhẹn ra sao, tự ăn giỏi như thế nào,… Tất nhiên đây chỉ là một tảng đá nho nhỏ trong tiến trình xây nên bức tường thành mang tên “Biết ơn” trong con.

Ngoài ra, việc này cũng giúp con biết phân tách một sự vật thành những khía cạnh nhỏ để thấy mặt nào chúng thích, mặt nào thì không. Để khi nhận được một món quà dù con không thích, con vẫn hiểu rằng, người ta đã vất vả biết bao để mua được món quà cho con.

Quyên góp làm từ thiện

Hãy đặt ra luật cho con: Định kỳ trong khoảng thời gian nào đó, con sẽ chọn trong đống đồ chơi của mình những món đồ để đi quyên góp, ủng hộ cho những trẻ em kém may mắn khác. Để tránh những sự do dự, thay đổi vào phút chót, hãy để con chọn đồ, còn bạn là người đóng gói đồ đạc. Bằng cách đó, bọn trẻ sẽ biết quý trọng những gì mình có, đồng thời còn học thêm được cách biết thông cảm và sẻ chia với những người không được may mắn như mình.

Cùng con làm từ thiện cũng một phương pháp rất hay để giáo dục trẻ sự biết ơn và lòng nhân ái

Kiên trì hướng dẫn con

Điều này đặc biệt đúng khi dùng để giáo dục trẻ nhỏ. Hãy cho trẻ cơ hội giúp đỡ mọi người trong gia đình từ những việc nhỏ và các bé sẽ nhận được lời cảm ơn xứng đáng với công sức chúng bỏ ra. Dần dà. con sẽ hiểu, giúp đỡ người khác và nhận được sự cảm kích từ mọi người là một điều vô cùng đẹp đẽ.

Mỗi cha mẹ có một phương pháp riêng để giáo dục con cái, và những phương pháp trên đây cũng không phải là chuẩn mực để áp dụng cho mọi đứa trẻ. Dù dùng cách nào đi chăng nữa, hãy đảm bảo rằng con bạn có thể tiếp thu bài học một cách tự nhiên, thoải mái nhất, để chúng không cảm thấy bị ép buộc rồi sinh ra những phản ứng ngược khiến cha mẹ phiền lòng.

 


Bài viết liên quan