Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Mẹ bầu bị cảm cúm khi mang thai 3 tháng giữa có nguy hiểm không?

Mọi căn bệnh xuất hiện trong thai kỳ đều khiến mẹ bầu lo lắng, dù là bệnh cảm cúm cũng không thể coi thường.

Cảm cúm là một bênh bình thường mà chúng ta hay gặp, ai cũng có thể mắc phải. Có nhiều người, cảm cúm chỉ như một bệnh “xoàng” chỉ một đôi ngày là khỏi. Thế nhưng đối với bà bầu, khi mang thai tình trạng cơ thể đặc biệt quan trọng, cảm cúm lại có thể gây nhiều lo lắng, băn khoăn. Liệu rằng cảm cúm khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng giữa của thai kỳ có nguy hiểm, có ảnh hưởng tới thai nhi? Chúng ta hãy cùng nhau tìm câu trả lời để các mẹ đề phòng nhé.

Bệnh cảm cúm là gì?

Cảm cúm thường rất hay xuất hiện khi thời tiết “trái gió trở trời” hoặc khi thay đổi môi trường. Về cơ bản, cảm thường là những triệu chứng xuất hiện do những phản ứng của cơ thể trước một số bất thường về môi trường, khí hậu xung quanh. Do đó, nguy cơ mắc các chứng cảm lạnh, say nắng… thường khá nhiều. Trong khi đó, cảm cúm lại có mức độ nghiêm trọng hơn khi xuất hiện do sự xâm nhập của một số loại virus có hại trong môi trường. Hơn nữa, những nguyên nhân lây bệnh cảm cúm từ người sang người cũng là lý do khiến bà bầu 3 tháng giữa thai kì có nguy cơ bị cảm cúm. Các loại virus gây nguy hiểm đến thai phụ và thai nhi khi có khả năng tấn công sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Các dấu hiệu cảm cúm phổ biến bao gồm: sốt, nhức đầu, rất mệt/ yếu, ho khan, đau họng, chảy nước mũi, đau cơ thể hoặc cơ. Ở một số người, cúm có thể trở thành bệnh nặng, nhưng hầu hết đều trở lại bình thường sau 1-2 tuần.

Ngay khi có dấu hiệu của bệnh cảm cúm, mẹ bầu cần điều trị triệt để, kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể sớm hồi phục.

Cảm cúm ảnh hưởng tới mẹ bầu như thế nào?

Giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng giữa được xem là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành và phát triển thai nhi. Ở giai đoạn này, trẻ cần được mẹ cung cấp những dưỡng chất cần thiết để phát triển cơ thể và não bộ. Nếu có những tác động nguy hiểm đến quá trình hình thành của thai nhi, nguy cơ thai bị dị tật là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, những tác động cũng khiến quá trình hình thành thai bị thiếu nhiễm sắc thể, khiến trẻ mắc những chứng bệnh nguy hiểm khi lớn lên.

Với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho, cảm lạnh… thì đó là dấu hiệu của bệnh cảm cúm thông thường hoặc là các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Vì vậy, mẹ bầu không cần phải quá lo lắng mà hãy chú ý chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn, tập trung phòng tránh các tác nhân gây hại từ môi trường và bổ sung thêm các loại dinh dưỡng thiết yếu để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Tuy nhiên, trong trường hợp cảm cúm nặng, mẹ bầu bị sốt cao kèm theo các triệu chứng như là buồn nôn, chóng mặt thì cần phải hết sức thận trọng vì virus cúm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ, làm cho nhiệt độ cơ thể thai phụ tăng lên một cách nhanh chóng gây ra sốt, sổ mũi, rát họng….Đặc biệt là chúng còn làm rối loạn sự trao đổi chất và sinh ra độc tố, có ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi.

Virus cảm cúm có thể thâm nhập thông qua nhau thai, tiến đến cơ thể thai nhi và gây nên bệnh tim bẩm sinh. Bên cạnh đó là những dị tật như hở hàm ếch, dị dạng não gây đầu nhỏ, não tụ huyết hoặc thai khiếm khuyết não. Những biểu hiện sốt cao ở thai phụ còn khiến tử cung co bóp sớm gây sẩy thai hoặc sinh non. Trẻ sinh non thường rất yếu và có nguy cơ tử vong sớm do bị nhiễm lạnh và virus xâm nhập.

Mong muốn nhanh khỏi cảm cúm mà nhiều mẹ dùng thuốc, tuy nhiên việc dùng thuốc lại không được thoải mái như bình thường bởi vì hầu hết các thuốc đều có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai. Kể cả có “uống ít” thì không hẳn là thuốc sẽ không gây ra ảnh hưởng nào đó.

Mang thai 3 tháng giữa, tức là thai nhi đã phần nào qua giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu, mức độ nguy hiểm nếu mẹ bầu bị cảm cúm đã bớt đi nhưng chị em cũng không thể chủ quan.

Vậy các mẹ bầu phải làm gì?

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là thăm khám bác sĩ. Đặc biệt khi các mẹ bầu có dấu hiệu cảm cúm 2 – 3 ngày rồi mà chưa khỏi. Các mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

Tiếp theo, các mẹ cần nghỉ ngơi điều độ, ở trong môi trường có nhiệt độ ổn định và an toàn để đảm bảo bệnh tình được đẩy lùi hiệu quả. Làm việc thường xuyên và tiếp xúc với môi trường thay đổi nhiệt độ và ô nhiễm, sẽ khiến thai phụ có nguy cơ biến chứng cúm nhiều hơn.

Các bà bầu cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ, hấp thu nhiều vitamin C để đảm bảo virus, vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập. Đặc biệt các mẹ cần thư giãn, tránh căng thẳng và lo lắng. Nhiều bà bầu cảm thấy hoang mang và lo sợ khi bị cảm cúm trong giai đoạn này. Thế nhưng các mẹ hơn ai hết cần bình tâm để tìm các biện pháp ứng phó, giải quyết. Hiện nay, với sự hỗ trợ từ y tế cùng môi trường sinh hoạt tốt hơn sẽ giúp cả mẹ và bé được bảo vệ an toàn. Chúc các bà bầu và các con sức khỏe, niềm vui và an yên.


Bài viết liên quan