Góc chuyên gia

Góc chuyên gia

Táo bón khi mang thai – nỗi khổ chỉ mẹ bầu mới hiểu

Nhiều chị em bầu bí khổ sở bởi tình trạng táo bón thai kỳ. Có trên 80% mẹ bầu than thở về tình trạng táo bón khi mang thai. Đây là căn bệnh tế nhị, khó nói gây ảnh hưởng không ít đến tâm lý của bà bầu. Liệu căn bệnh này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi không?

Vì sao bà bầu thường bị táo bón trong thai kỳ?

Đa số phụ nữ mang thai thường bị táo bón trong thời kỳ mang thai, thậm chí nhiều người táo bón nặng dẫn tới trĩ. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là:

Ốm nghén

Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, rất nhiều chị em bị ốm nghén. Triệu chứng khi bị ốm nghén thường là buồn nôn và nôn, cơ thể mệt mỏi, chán ăn… từ đó dẫn tới hiện tượng cơ thể mất nước, người mỏi mệt nên nằm nhiều, ít vận động gây ra táo bón.

Sự thay đổi của các hormone sinh lý

Nồng độ hormone progesterone ở thai phụ tăng lên làm giảm trương lực cơ trơn, ảnh hưởng đến đường ruột. Sự hoạt động mạnh mẽ của các hormone này cũng gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể dẫn đến chứng táo bón ở bà bầu.

Táo bón có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ khiến mẹ bầu khổ sở.

Chế độ ăn không cân đối

Mẹ bầu thường có tâm lý ăn nhiều thịt thà để tẩm bổ chất đạm, sắt, chất béo cho con tăng cân, khỏe mạnh mà ít bổ sung chất xơ có trong rau, trái cây tươi. Đồng thời, nhiều chị em ngại uống nước vì đi tiểu nhiều nên càng khiến chứng táo bón nặng hơn.

Thai nhi lớn dần

Từ tuần 24 trở đi, thai nhi phát triển mạnh mẽ. Em bé càng lớn đồng nghĩa với việc tử cung càng to, từ đó gây áp lực lên vùng xương chậu và các cơ quan trong ổ bụng của mẹ bầu làm tình trạng táo bón gia tăng. Đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ, sự chèn ép của tử cung lên các tĩnh mạch ở phần dưới cơ thể càng lớn, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, làm cho các tĩnh mạch trĩ bị xung huyết, nở rộng. Hậu quả là mẹ bầu dễ mắc bệnh trĩ.

Sử dụng viên uống bổ sung sắt, canxi

Khi mang thai, bà bầu cần một lượng lớn sắt và canxi để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, không phải chị em luôn có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp lượng sắt và canxi cần thiết. Vì vây, tùy vào mức thiếu hụt của cơ thể chị em sẽ được kê thêm viên sắt, canxi bổ sung. Không ít thai phụ, khi sử dụng viên sắt, canxi lại lười uống nước khiến các khoáng chất này kém hấp thụ vào cơ thể, bắt buộc phải đào thải ra ngoài, từ đó càng khiến bộ máy tiêu hóa quá tải, tăng khả năng táo bón.

Táo bón khi mang thai có nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và bé không?

Tình trạng táo bón khi mang thai có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu, đặc biệt là sự phát triển của thai nhi. Bà bầu bị táo bón thường bị đầy hơi, chướng bụng do các chất thải không được đẩy ra ngoài, chị em càng không muốn ăn uống nên dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Táo bón mãn tính có thể gây biến chứng thành trĩ rất nguy hiểm cho mẹ bầu nếu không được điều trị kịp thời.

Các chất thải này có chứa các độc tố như phenol, amoniac nếu tích tụ lâu ngày trong ruột có thể hấp thụ ngược vào máu, gây nhiễm độc mãn tính.

Ngoài ra, khi bị táo bón, chị em phải rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài, việc này rất nguy hiểm vì có thể gây sảy thai.

Đa số chị em phụ nữ khi mắc táo bón thường ngại ngùng, xấu hổ không muốn ai biết, không kịp thời đi khám vì nghĩ rằng, mang bầu ai cũng bị nên chấp nhận chịu đựng. Đến khi tình trạng bệnh kéo dài, xuất hiện hiện tượng đại tiện ra máu, ngứa rát hậu môn thì bệnh táo bón đã biến chứng thành nứt kẽ hậu môn, trĩ càng khiến mẹ bầu lo lắng.

Giải pháp hiệu quả cho mẹ bầu bị táo bón

Thay đổi chế độ ăn: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày. Ngoài ra, chị em có thể ăn các thực phẩm giúp nhuận tràng như khoai lang, rau mùng tơi, chuối, thanh long… Mỗi ngày nên uống đủ 1-2 lít nước tạo điều kiện để cơ thể hấp thụ sắt và canxi dễ dàng. Hạn chế tối đa việc ăn các gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt…Không sử dụng đồ uống chứa cồn, cafein.

Vận động thường xuyên: Mẹ bầu càng lười vận động càng dễ bị táo bón, cơ thể mệt mỏi, lâu dài cơ thể kém dẻo dai, khó khăn trong quá trình chuyển dạ sinh nở sau này. Vì vậy, dù mệt mỏi do ốm nghén ít nhất bạn vẫn nên đi lại nhẹ nhàng trong phòng, tránh nằm lâu một chỗ. Khi cơ thể hồi phục, chị em có thể lựa chọn cho mình hình thức vận động phù hợp như tập yoga, khiêu vũ cổ điển, bơi… cũng rất tốt cho sức khỏe, đồng thời hạn chế nguy cơ táo bón.

Chị em không được tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Nếu mẹ bầu đã thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày mà tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, thì cần đi khám để bác sĩ tư vấn.

Những chị em đã có tiền sử bị táo bón mãn tính, trĩ, tốt nhất nên điều trị bệnh cho triệt để trước khi mang bầu. Quá trình mang thai và sinh nở khiến bệnh trĩ tiến triển rất nhanh, chị em sẽ gặp nhiều đau đớn và bất tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn là việc chảy máu khi đi đại tiện làm tăng nguy cơ thiếu máu, thậm chí là sảy thai cho bà bầu.


Bài viết liên quan